Thước đo… phong bì

GD&TĐ - Phong tục gửi quà mừng việc hỉ là cách để mọi người được bày tỏ tình cảm, tấm lòng, sự quan tâm, động viên, chia sẻ với người báo hỉ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Này bác, bác có thấy kỳ không? - Kỳ cái gì kia chứ? - Thì đó, ai lại “khéo” đến thế kia chứ? - Đã là khéo, vậy sao lại là kỳ? Không là sao, ai đời lại ứng xử với chiếc phong bì mừng cưới của hàng xóm như thế là sao?

Bác biết rồi đấy, xưa nay, người Việt có phong tục mang quà mừng cưới, mừng tân gia, mừng sinh nhật, mừng thọ, mừng rất nhiều và rất nhiều niềm vui mới của người khác.

Những món quà mừng ấy được đổi thay theo thời gian. Gần đây nhất, thời bao cấp mừng đám cưới là cái phích, cái chậu, vỏ chăn con công; mừng nhà mới là dăm cân gạo, yến khoai, buồng chuối; mừng thọ là chục trứng, con gà, cân đỗ… Đến giờ thì những quà mừng theo kiểu nhà có sao gửi vậy như thế không còn nữa mà chúng được “gói gọn” trong chiếc phong bì viền xanh - đỏ, chắc cũng được già nửa thế kỷ rồi ấy nhỉ?

Nói chung, phong tục gửi quà mừng việc hỉ là cách để mọi người được bày tỏ tình cảm, tấm lòng, sự quan tâm, động viên, chia sẻ với người báo hỉ. Giá trị của quà mừng không được định giá cụ thể mà tùy thuộc vào mối quan hệ, điều kiện gia đình hay mức độ tình cảm, sự thân thiết…

Bởi vậy, có khi quà mừng là cả một phong bì dày cộp nhưng có khi chỉ tượng trưng bằng cái ôm thấu hiểu. Cũng bởi thế với người được nhận quà luôn là niềm vui, niềm hạnh phúc nhân đôi chứ hẳn rằng mấy ai để ý xem quà đó là bao nhiêu, nhiều hay ít, giá trị hay không…

Ái dà, phong tục quà mừng tốt đẹp và ý nhị như thế vậy mà sao người hôm nay thực hành có cách ứng xử kém văn minh đến thế? Mới đây dư luận tròn mắt ngạc nhiên khi có một gia chủ đăng trên Facebook mệnh giá tiền mừng cưới của người hàng xóm cùng lời chì trích khó nghe.

Chưa đầy một tháng trước, có cặp đôi gửi thiệp mời cưới còn ghi kèm đôi ba số tài khoản cùng lời giải thích rằng “để tiện cho người ở xa”! Ơ hay, quà mừng là tùy tâm, tùy chủ ý của người được báo hỉ chứ sao lại cân đong đo đếm vậy nhỉ?

Mà ngẫm ra thì cũng dễ hiểu thôi bác ạ. Từ xưa đến nay, sức mạnh của vật chất chưa khi nào bị giảm sút, thậm chí ở thời kinh tế thị trường với lối sống công nghiệp, thực dụng thì nó càng được dịp trỗi dậy.

Mới hay, nếu không có bản lĩnh trước sức mạnh đầy uy quyền ấy thì bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bị đồng tiền chi phối, kiểm soát đến cả cái chớp mắt và hơi thở. Khi đó không có gì ngạc nhiên về việc họ có cách ứng xử với quà mừng sao mà thô lỗ, ham hố vật chất.

Cũng có thể khi nhận những chiếc phong bì nặng trịch sẽ làm cho người ta được thỏa mãn, hả hê rồi ra sức cân đong đo đếm giá trị tình bằng hữu, tình làng nghĩa xóm, tình đồng nghiệp…

Nhưng liệu rằng khi gặp hoạn nạn, khó khăn thì những chiếc phong bì căng phồng ấy có thể chạy đến giơ tay chia sẻ, nâng đỡ, hay chỉ có bàn tay rộng mở, ấm áp của người hôm trước chỉ có cái ôm thân tình làm quà mừng đây?

Chà chà, dở quá, dở quá!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ