(GD&TĐ) - Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về bảo đảm trật tự an toàn giao thông diễn ra mới đây (ngày 25/3), lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã xin nhận kỷ luật vì đã để xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa phận Quốc lộ 1A và Quốc lộ 26 thuộc địa phận của tỉnh.
Việc nhận trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương là rất cần thiết, khi mà lâu nay, tình trạng quy trách nhiệm một cách chung chung, không có tên tuổi cụ thể, dẫn tới “cha chung không ai khóc” còn khá phổ biến. Đáng lưu ý là lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa sau khi nhận khuyết điểm còn đưa ra được những giải pháp cụ thể về khắc phục tai nạn giao thông trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.
Lâu nay, người dân đã nghe khá quen tai qua các phương tiện thông tin đại chúng các từ ngữ, nào là tăng cường ý thức tự giác của người dân về đảm bảo luật lệ giao thông; nào là phát triển cơ sở hạ tầng; nào là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, vân vân và vân vân... Thế nhưng người dân vẫn cứ phải nghe, phải tận mắt chứng kiến tai nạn giao thông xảy ra như “cơm bữa”. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, riêng trong 3 tháng đầu năm 2013, có 2.599 người chết vì tai nạn giao thông (tăng 69 người so với cùng kỳ năm ngoái, riêng ở Khánh Hòa, số người chết tăng tới 83,9%). Sửng sốt, bàng hoàng, lo lắng, đó là tâm trạng chung của mọi người sau khi chứng kiến những cái chết thảm khốc do tai nạn giao thông đưa đến. Chính vì vậy, người dân đòi hỏi ở những người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước trong đó có lĩnh vực giao thông phải tìm ra được liều thuốc có hiệu quả ngay để ngăn chặn tai nạn giao thông.
Ảnh: Minh họa |
Xin được trở lại bàn định về những giải pháp mà lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa nêu lên: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1; Đưa xe khách vào diện kinh doanh đặc biệt vì liên quan đến tính mạng của rất nhiều người. Cần thiết phải lập các trung tâm điều hành theo dõi xe khách và xe container bằng định vị GPS và “hộp đen”. Các trung tâm này do cơ quan chức năng của Nhà nước quản lý; Lắp đặt camera để theo dõi, giám sát, ghi cứ liệu, hình ảnh thu được để xử lý, giáo dục, từng bước khắc phục tai nạn giao thông.
Có thể thấy những giải pháp Chủ tịch UBND Khánh Hòa nêu ra có cơ sở thuyết phục. Qua tìm hiểu nguyên nhân của hàng loạt vụ tai nạn giao thông đường bộ, có thể thấy phần lớn là do tài xế xe khách chạy lấn phần đường, chạy quá tốc độ gây nên. Thường xuyên lưu thông trên tuyến đường Quốc lộ 1A, chúng tôi bắt gặp cảnh tượng khá quen: xe khách chở vượt quá số lượng người quy định, qua các địa điểm có cảnh sát giao thông đều bị CSGT ra hiệu dừng lại. Nhưng việc dừng lại ấy lại rất đơn giản chỉ để trao qua đổi lại “giấy tờ” cho có thông lệ rồi tài xế tiếp tục điều khiển xe chạy vun vút như không có chuyện gì xảy ra. Như vậy, việc lập các trung tâm điều hành theo dõi xe khách và xe container bằng định vị GPS và “hộp đen” sẽ theo dõi kịp thời tốc độ chạy của xe để thông báo cho cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý.
Việc lắp đặt camera để ghi kịp thời hình ảnh, thông báo cho người vi phạm đến cơ quan cảnh sát giao thông để xử lý cũng là biện pháp hữu hiệu đã được thí điểm ở một số địa phương; đặc biệt là việc thí điểm Dự án Xây dựng hệ thống giám sát giao thông bằng hình ảnh trên tuyến quốc lộ 1A trong hai tháng qua đã mở đường cho các camera làm thay công việc của cảnh sát. Theo Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an thì “việc thí điểm trên đã giúp giảm bớt lực lượng cảnh sát giao thông có mặt trên đường, góp phần làm giảm tai nạn giao thông cả số vụ, số người chết và bị thương. Không có tai nạn đặc biệt nghiêm trọng và ùn tắc giao thông xảy ra”.
Giám sát một cách chặt chẽ và xử lý nghiêm bằng các thiết bị giám sát hiện đại, đó không chỉ là biện pháp khắc phục tai nạn giao thông mà còn để ngăn chặn hành vi bất chấp luật lệ của lái xe, hành vi tiêu cực của cảnh sát giao thông hiện đang ở mức đáng báo động.
Hồng Thúy