Phóng viên TTXVN tại London dẫn nguồn tin báo chí Anh ngày 13/11 cho biết các đợt thử nghiệm này là "chưa từng có tiền lệ" bởi được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh Ebola đang hoành hành, trong khi các loại thuốc này chưa trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng lâu dài trên động vật và người khỏe mạnh trước khi được đưa cho người bệnh.
Việc thử nghiệm đang được đẩy nhanh với hy vọng các loại thuốc sẽ giảm 70% tỷ lệ tử vong vì Ebola tại Tây Phi.
MSF và các đối tác trong các đợt thử nghiệm này, bao gồm các học giả, các công ty dược phẩm và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã nhất trí tiến hành các đợt thử nghiệm tại Guinea và một địa điểm chưa được quyết định.
Một trong các đợt thử nghiệm sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu việc sử dụng các sản phẩm máu từ những người nhiễm Ebola đã khỏi bệnh.
Trong số các loại thuốc được thử nghiệm lâm sàng lần này không có ZMapp, loại thuốc được phát cho một số nhân viên y tế nước ngoài từng nhiễm Ebola thời kỳ đầu của dịch bệnh do quá trình sản xuất ZMapp rất mất thời gian.
Các nhà khoa học Đại học Oxford (Anh) sẽ đứng đầu một đợt thử nghiệm do Quỹ Wellcome tài trợ và sẽ thử nghiệm thuốc chống virus "brincidofovir" do hãng dược Mỹ Chimerix bào chế.
Các nhà khoa học cho biết loại thuốc này đã cho thấy tác dụng chống virus Ebola trong phòng thí nghiệm nhưng chưa được thử nghiệm trên động vật.
Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy loại thuốc dạng viên này dễ sử dụng và an toàn với người từ các thử nghiệm chống các virus khác.
Sẽ có 140 bệnh nhân tham gia đợt thử nghiệm đầu tiên và mỗi người sẽ được nhận 5 viên thuốc trong 4 ngày.
Các đợt thử nghiệm sẽ không được tiến hành theo cách thông thường là chia thành hai nhóm sử dụng thuốc và không sử dụng thuốc để so sánh giữa hai nhóm.
Thay vào đó, tất cả các bệnh nhân muốn tham gia đều sẽ dùng thuốc trong quá trình điều trị và các nhà khoa học sẽ theo dõi xem tỷ lệ khỏi bệnh sau 14 ngày có cải thiện so với trước khi thử nghiệm thuốc hay không.
Giáo sư Peter Horby, người đứng đầu nhóm nghiên cứu trong cuộc thử nghiệm của Đại học Oxford, cho biết việc tiến hành các đợt thử nghiệm lâm sàng giữa cao điểm dịch Ebola như thế này là một trải nghiệm mới hoàn toàn đối với các nhà khoa học. Tuy nhiên, tất cả họ đều có quyết tâm không phụ sự mong đợi của người dân Tây Phi.
Theo số liệu mới nhất của WHO, tính đến ngày 9/11, thế giới đã ghi nhận 14.098 trường hợp nhiễm virus Ebola, trong đó có tới 5.160 người đã tử vong.
Trong số 7 quốc gia Tây Phi có dịch Ebola, 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là Liberia, Sierra Leone và Guniea. Hai nước đã được công bố thoát dịch là Nigeria và Senegal tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới.