Các phần của con gà được chia nhỏ để tránh kiểm dịch |
Gà chảy nước, tôm cua ngất, rau củ giập nát... được bày bán tràn lan tại các chợ đầu mối Hà Nội đang ngày ngày tiêu thụ trên thị trường mà người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là loại thực phẩm “rởm”, đâu là thực phẩm sạch.
Vừa rẻ vừa sẵn
Đầu đông, 5 giờ trời vẫn tối, nhưng tại chợ đầu mối Dịch vọng đã tấp nập người mua, kẻ bán. Càng về sáng, người mua đổ về chợ càng đông. Trong khu chợ này, buổi tối là khu vực chợ đêm của sinh viên còn sau đó từ 3 giờ là chợ thực phẩm.
Có thể nói, các mặt hàng ở đây rất đa dạng, chủ yếu là thực phẩm tươi sống như rau quả và thịt gia súc, gia cầm. Những người bán hàng hầu hết ở các huyện ngoại thành hay ở các tỉnh lân cận đưa về.
Trước đây, thịt gia súc, gia cầm được bày bán tập trung tại một địa điểm nhất định, nhưng nay, do đòi hỏi phải có dấu kiểm dịch, nên những người chuyên bán thịt gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch tản ra khắp nơi để dễ chạy mỗi khi có nhân viên kiểm dịch đi kiểm tra.
Tình hình này không chỉ riêng chợ đầu mối Dịch Vọng, mà hầu hết các chợ đầu mối lớn khác của thủ đô như chợ Phùng Khoang, chợ Ngã Tư Sở, chợ Long Biên, chợ đầu mối phía nam (Hoàng Mai)... đều như vậy.
Người ta đổ xô về chợ đầu mối để mua thực phẩm vì giá “siêu rẻ”. Không chỉ những nhà bán cơm bình dân đến đây mua, mà trong thời kỳ bão giá này, người dân mua lẻ cũng tranh thủ buổi sớm đến đây mua cho rẻ. Tại đây, thịt lợn, sườn giá 60.000-70.000 đồng/kg, thịt bò giá chỉ 120.000 đồng/kg, trong khi các chợ buổi sáng bán với giá từ 150.000 - 250.000 đồng/kg. Rẻ nhất tại chợ là thịt chó cả xương với giá 30.000-50.000 đồng/kg, rẻ chỉ bằng một nửa so với những nơi khác.
Theo các chủ kinh doanh tại chợ, thì trước đây chỉ những nhà chuyên làm cơm bình dân hoặc các chủ nhà kinh doanh mắm tép trưng thịt và làm các mặt hàng thực phẩm khô từ các loại thịt mới đến các chợ đầu mối mua cho rẻ còn người dân mua lẻ thì hầu như không có.
Có thể nói, so với chợ cóc và siêu thị, giá cả ở các chợ đầu mối rẻ hơn rất nhiều. Bà Nguyễn Thị Lan, nhà ở khu tập thể Đại học Thương Mại cho biết, sáng sớm đi tập thể dục nên tiện đường luôn mua thức ăn cho cả nhà: “Đi chợ ở đây giá cả rất rẻ, rau cải chỉ 7.000 đồng/kg trong khi ra các chợ bên ngoài thì phải hơn 10.000 đồng/kg.
Còn về các loại thịt cá ở đây cũng rẻ hơn rất nhiều. Các loại thịt ngan, vịt làm sẵn cũng chỉ 70.000 đồng/kg”. Nhưng khi hỏi về liệu rẻ như thế chất lượng có đảm bảo thì bà Lan cũng chỉ cười và nói rằng, chợ đầu mối đi khắp nơi thì ở đâu chả thế, khuất mắt trông coi mà.
Bên cạnh các loại thịt, các loại hải sản đắt tiền như cua biển “ngất”, “ngã”, “chết lâm sàng”... với mức giá rẻ chỉ bằng gần một nửa so với cua biển sống trên thị trường. Tôm, cua, ghẹ ở đây giá chỉ khoảng 70-80.000 đồng/kg.
Chất lượng thả nổi
Theo quan sát của phóng viên, rất nhiều gia súc, gia cầm đã được chế biến bày bán ở các chợ đầu mối đều có những gian hàng không có dấu kiểm dịch của các cơ quan chức năng. Để “săn” thực phẩm siêu rẻ không hề khó khăn, chỉ cần vào vai người mua hàng, người mới mở quán cơm hay nhà hàng là có thể hỏi mua buôn.
Không cần hỏi giá, PV liên tục được nghe các câu mời chào, giới thiệu hấp dẫn từ những người bán như: “Mua thịt gà đi em, giá rẻ lắm. Lấy đùi, lườn hay cả con. Nếu lấy cả con giá 40.000 đồng/kg, lấy lườn giá rẻ hơn...”. Đến hàng khác bày bán toàn lườn gà, chủ hàng xởi lởi: “Em mua ít hay nhiều, ở đây chị bán có 35.000 đồng/kg lườn gà”. Thấy người mua chần chừ người bán hàng liền nói tiếp: “30.000 đồng/kg, mua đi. Giá này rẻ ngang rau rồi”.
Khi được hỏi tại sao gà bày bán không có dấu kiểm dịch của thú y và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chị Hải - một tiểu thương bán thịt gà nói thẳng tưng: “Gà được pha nhỏ thành từng loại đùi, lườn, cánh... làm sao biết được có kiểm dịch hay không, mà khách cũng chẳng ai hỏi.
Rẻ vậy, chỉ bằng một nửa giá gà hiện tại thì làm gì có dấu kiểm dịch”. Chị này khẳng định: “Nếu muốn và lấy thường xuyên chị sẽ có giấy kiểm dịch các loại cho em”. Chị cho biết, giá thịt gà rẻ là do các tiểu thương lấy thẳng từ các trại gà ngoại thành, không qua các khâu trung gian.
Nói về những nguy hại của thực phẩm giá rẻ tràn lan như hiện nay, TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: Khi tươi sống, các loại thịt, hải sản chứa thành phần dinh dưỡng cao, có khả năng kháng khuẩn rất tốt, nhưng khi chúng chết và có dấu hiệu ươn, chảy nước khả năng kháng khuẩn gần như bằng không.
So với động vật trên cạn (như gà, lợn, bò…) hải sản sống dưới nước có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Chỉ cần sơ chế dối, hay dùng phải đồ ươn thối, người ăn dễ bị nhiễm độc. Những đối tượng vốn nhạy cảm, khả năng đề kháng kém (như phụ nữ và trẻ em) càng dễ dị ứng, ngộ độc thức ăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện nay, số lượng các mặt hàng thực phẩm đổ về các chợ đầu mối ngày càng nhiều. Công việc kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng cũng như chất lượng hàng hóa rất khó khăn. Những kênh phân phối hàng tới người dân đều qua các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các quán ăn bình dân, các gánh hàng rong...
Mặc dù trong thời gian qua, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cửa khẩu phía bắc như: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh đã được chú ý nhưng thực phẩm từ Trung Quốc vẫn đổ về với lượng lớn mà chủ yếu lại qua đường tiểu ngạch, không qua kiểm soát. Các chợ đầu mối trở thành kênh phân phối lý tưởng cho những mặt hàng trên. Rốt cuộc, thực phẩm bẩn, độc hại tiếp tục bủa vây người tiêu dùng!
Theo PetroTimes