Cách đây ít ngày, quản lý thị trường Hà Nội phát hiện hơn 1 tấn thịt động vật bốc mùi hôi thối được vận chuyển từ Bắc Giang vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Cùng thời điểm, Công an Hà Tĩnh phát hiện một xe khách chở 1 tấn lòng lợn thối vào các tỉnh phía Nam; một số vụ nước tương có độc; orange II được sử dụng để nhuộm thịt quay và thịt xá xíu; hóa chất tăng trọng bị cấm (clenbuterol và salbutamol, ractopamin) được sử dụng tạo thịt siêu nạc trong chăn nuôi gia súc, gia cầm..... Thông tin trên khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng cho bữa ăn ngày Tết.
Có thể nói, nỗi lo an toàn thực phẩm luôn "thường trực" từ đầu năm đến cuối năm, năm này qua năm khác, các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo, nhưng vấn nạn vẫn không thuyên giảm.
Nhưng cận Tết thì chuyện an toàn bữa ăn mới thực sự đáng lo. Thực phẩm bẩn len lỏi vào trong bữa ăn hàng ngày của từng gia đình, bếp ăn của trường học, các khu công nghiệp…
Những hình ảnh chế biến thực phẩm mà các báo đài đưa khiến cho người dân hoang mang lo lắng. Các cơ sở sản xuất mứt, bánh kẹo, nem, giò, xúc xích... sản xuất ngay cống rãnh, phơi ngoài đường đầy bụi, thậm chí có cơ sở chế biến gần nhà vệ sinh 2 bước chân.
Đó là chưa kể nguyên phụ liệu bị tẩm phẩm màu, chất tẩy rửa… Những vụ việc bị phát hiện mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi trên thực tế việc sử dụng, kinh doanh thực phẩm bẩn đang là nguy cơ có thực và hậu quả của nó thật khó lường.
Theo thống kê của ngành Y tế, bình quân mỗi năm nước ta có khoảng 9 triệu người bị ảnh hưởng từ ngộ độc thực phẩm và ngân sách Nhà nước phải chi khoảng 14.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Thiết nghĩ, chúng ta đã có nhiều chế tài để xử phạt những hành vi vi phạm, nhưng tại sao người dân vẫn lo cho bữa ăn của mình. Rõ ràng trách nhiệm không phải của đại đa số người tiêu dùng mà thuộc về các cơ quan chức năng và các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn.
Các cấp, các ngành đã triển khai nhiều đợt thanh tra kiểm tra, giám sát ATVSTP nhưng làm như thế cũng giống như "ném đá ao bèo". Vì khi thanh tra đến, cơ sở vi phạm chịu phạt, tuân thủ quy định, nhưng khi thanh tra đi, tình hình lắng dịu thì họ lại vi phạm. Mục tiêu chính của họ là tối đa hoá lợi nhuận.
Đây là vấn nạn mà các ngành chức năng phải quan tâm thường xuyên, liên tục chứ không chỉ kiểm tra từng đợt. Đồng thời khi phát hiện các doanh nghiệp vi phạm ATVSTP thì cần công khai thương hiệu đó trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng tẩy chay.
Phương pháp này được áp dụng nhưng chưa triệt để. Không biết bao giờ người dân mới hết nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm.