Thực hư việc thải độc chì ở spa làm đẹp?

“Khi cơ thể bị nhiễm chì, việc loại bỏ nó là một kỹ thuật rất khó và phức tạp. Người ta phải dùng các thiết bị y tế chuyên dụng để lọc máu và thải bỏ độc tố ra khỏi cơ thể”.

Thực hư việc thải độc chì ở spa làm đẹp?

Tình trạng nhiễm chì trong cơ thể hiện nay một phần là do ô nhiễm chì có trong không khí, trong nước uống và một phần thông qua việc ăn uống và sử dụng vật dụng gia đình, thậm chí là trang điểm (mỹ phẩm).

Thông thường thực phẩm nhiễm chì là do môi trường ô nhiễm, trồng ở những nơi có nguồn đất, nguồn nước bị nhiễm độc. Con người sử dụng các dụng cụ sành sứ, sắt tráng men, nhựa tái sinh... bị nhiễm chì hoặc các chất độc hóa học khác để chứa đựng thực phẩm cũng gây độc hại cho sức khỏe.

Các loại thực phẩm, đặc biệt là các loại thủy sản sinh trưởng trong môi trường bị nhiễm các loại kim loại nặng như: chì, thủy ngân, asen, khi con người ăn phải chúng những chất độc cũng đi vào cơ thể.

Gần đây, nhiều spa ở Hà Nội đang rầm rộ quảng cáo dịch vụ hút chì, làm sạch da mặt. Họ quảng cáo, trong quá trình tiếp xúc với khói bụi, mỹ phẩm, làn da thường bị nhiễm chì. Đây là một dạng kim loại độc, có khả năng tích tụ sâu dưới da gây nám và lão hóa sớm. "Trả lại cho bạn làn da khỏe mạnh, mịn màng, tươi trẻ với dịch vụ trắng sáng da, hút chì thải độc tố 90 phút", một spa quảng cáo.

Thuc hu viec thai doc chi o spa lam dep? - Anh 1

Chì đi vào cơ thể người qua con đường ăn uống. Ảnh: TL

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, TS Trần Hồng Côn – Khoa hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cho biết, chì lắng đọng chủ yếu trong các mô mềm như gan, thận, thần kinh…đặc biệt là ở xương. Khi đã gắn chặt vào xương, con người phải mất thời gian dài mới có khả năng tự đào thải được chì khỏi cơ thể.

Ông cho rằng: “Khi cơ thể bị nhiễm độc tố chì, việc loại bỏ nó là một kỹ thuật rất khó và phức tạp. Người ta phải dùng các thiết bị y tế chuyên dụng để lọc máu và thải bỏ độc tố ra khỏi cơ thể”.

Các spa có thể lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết của người dân cho rằng da thâm đen là do chì. Tuy nhiên trên thực tế, da bị sạm đen không phải là do chì mà là do sự gia tăng các sắc tố melanin. Vì thế, về mặt nguyên lý, việc hút chì là một việc làm phi thực tế".

Đồng thời, ông cũng cho biết, nếu để chì tích tụ lâu dài sẽ gây hại cho sức khỏe, chì sẽ gắn chặt vào các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là hệ cơ xương, khiến cho quá trình đào thải càng chậm dẫn đến suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ.

Tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em và người lớn có sự khác biệt nhau. Với trẻ em, ở mức độ phơi nhiễm cao, với nồng độ chất chì ở trong máu trên 70 µg/dl, chì tấn công vào não và hệ thần kinh trung ương gây hôn mê.

Trẻ em bị ngộ độc chì nặng có thể để lại hậu quả chậm phát triển trí tuệ, còi xương và rối loạn hành vi. Chì ảnh hưởng đến sự phát triển não của trẻ em dẫn đến giảm chỉ số thông minh (IQ), giảm sự tập trung.

Thuc hu viec thai doc chi o spa lam dep? - Anh 2

Lợi xanh đen là một trong những biểu hiện cho thấy cơ thể bị nhiễm chì. Ảnh: TL

Với người lớn, ở mức độ nặng, nồng độ chất chì ở trong máu trên 100 µg/dl, hệ thần kinh trung ương ở não xuất hiện cơn co giật, hôn mê, rối loạn tiêu hóa, nôn kéo dài, biểu hiện bệnh lý thận.

Không dễ để nhận biết cơ thể nhiễm chì, với trẻ em, nếu bị có biểu hiện bỏ ăn, hay quấy khóc, co giật, hôn mê, còn người lớn bị suy thận, người lớn ăn không ngon, trí nhớ kém, khó ngủ, vàng da, cơ thể luôn có cảm giác mệt mỏi thì chứng tỏ nhiễm độc chì nặng.

Ông Côn cho hay: “Bị nhiễm chì thì không thể thải độc ở các spa mà phải đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, xét nghiệm. Trước giờ tôi chỉ biết phương pháp thải độc chì nhờ uống thuốc. Tùy thuộc vào mức độ nhiễm nặng, nhẹ mà bác sĩ có đơn thuốc, phương pháp riêng. Mọi người không nên tin vào những lời quảng cáo mà phải tìm đến những nơi uy tín, bác sĩ uy tín, tránh để lại những hậu quả không mong muốn”.

Chúng ta có thể đến các bệnh viện để yêu cầu xét nghiệm độc chất này trong máu cũng như các xét nghiệm lâm sàng. Một người được chẩn đoán xác định nhiễm chì khi xét nghiệm chì trong máu cao hơn 10 µg /dl (tiêu chuẩn bắt buộc).

Theo GĐ&XH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ