Gạo “dược liệu” là cái tên dân gian người dân thường gọi đối với gạo hạt ngọc trời, gạo mầm Vibigaba, gạo lứt... Loại gạo này chỉ trồng được một vụ/năm ở một số vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Do nhu cầu sử dụng của người dân không nhiều cộng với giá thành cao nên loại gạo này không được bày bán rộng rãi.
Thế nhưng thời gian gần đây, những lời đồn thổi về loại gạo này có khả năng chữa bệnh khiến giá của nó tăng cao, thậm chí trở nên khan hiếm. Cùng với phong trào thực dưỡng, ăn kiêng, gạo lứt đã trở thành một loại thực phẩm được nhiều người tin dùng.
Hiện nay, loại gạo này được bày bán nhiều tại Hà Nội, chỉ cần dạo qua các chợ như chợ Châu Long (Ba Đình), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Bưởi (Tây Hồ)…hay trong các siêu thị cũng đều có thể mua được loại gạo này. Giá của từng loại gạo cũng khác nhau.
Trong đó, gạo mầm đen gaba hữu cơ có giá cao nhất là khoảng 200.000 đồng/kg, các sản phẩm còn lại cũng có giá giao động từ 70.000 – 100.000 đồng/kg”.
Gạo lứt đặc biệt và gạo lứt huyết rồng, loại được cho là “thần dược” có tác dụng chữa bệnh. Giá của hai loại gạo này giao động từ 33.000 – 35.000 đồng/kg. Riêng gạo lứt huyết rồng có tới 3 màu trắng, nâu đỏ và đen nên được nhiều người chọn mua hơn.
Gạo dược liệu, loại gạo được đồn thổi những tác dụng “thần thánh”. Ảnh: TL
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, cơn sốt gạo “dược liệu” chỉ là do bị kích giá chứ không có khả năng quý như lời đồn. GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về lúa gạo cho rằng, bản chất, gạo lứt không đánh bóng, có lớp vỏ cám bọc ngoài chứa một số vitamin tốt cho sức khỏe.
Về màu gạo lứt, GS Xuân cho biết, đây cũng là “mẹo” để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá đến người tiêu dùng. Những quảng cáo về tác dụng chưa qua nghiên cứu lâm sàng để kết luận.
Việc dùng loại gạo này khỏi bệnh với bao nhiêu % trên tổng số người mắc bệnh cùng sử dụng gạo này chưa làm rõ. Quảng cáo chủ yếu dựa trên những người có kết quả tốt; những người không có kết quả tốt đã bị loại đi, vì vậy không hoàn toàn chính xác.
GS Võ Tòng Xuân cũng cảnh báo, người tiêu dùng nên cẩn thận trước những quảng cáo như vậy. Nên thử trước, nếu phù hợp sẽ tiếp tục sử dụng.
Trước lời đồn trong dân gian cho rằng ăn gạo lứt có tác dụng chữa bệnh, có thể phòng chống ung thư, trong gạo lứt có mầm cám, vỏ cám, chất béo không no, một vài chất có thể chống ung thư, ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - cho biết:
Gạo lứt có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng anthocyanin, nên được thị trường châu Âu rất ưa chuộng. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố cho thấy chất anthocyanin trong các loại gạo “dược liệu” là hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học quý, có khả năng chống oxy hóa cao, có tác dụng làm giảm và phòng ngừa xơ vữa mạch máu, ngừa bệnh tiểu đường type 2…
Nhưng để khẳng định ngăn ngừa bệnh, nhất là bệnh ung thư cần tìm hiểu thêm. “Tôi cũng ủng hộ loại gạo này vì nó giúp đa dạng hóa các giống gạo, nhưng để tuyên truyền về tác dụng chữa bệnh, phòng chống bệnh tật phải dựa trên các nghiên cứu khoa học để chứng minh” - Ông Quảng nói rõ thêm.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, hiện nay cũng chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định tác dụng chữa bệnh của gạo lứt mà chỉ là những lời truyền miệng. Cũng có nhiều người đã sử dụng gạo lứt và thu về những lợi ích nhất định nhưng chúng cũng chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ phòng bệnh.
Các chuyên gia cũng đã đưa ra lời khuyên, ở một số lứa tuổi như trẻ em, người cao tuổi, người thể trạng yếu, gầy gò, đang trong thời kỳ thai kỳ, bồi bổ sức khỏe, không nên ăn gạo lứt thường xuyên.
Nếu ăn thường xuyên sẽ dẫn đến sức khỏe suy giảm, thiếu dưỡng chất, thiếu các vitamin và khoáng chất cần thiết đối với sự phát triển của cơ thể trẻ em, tăng sức đề kháng và bồi bổ cơ thể cho người già, người trong thời kỳ mang thai… Khi ăn gạo lứt cũng cần đảm bảo lượng gạo cung cấp sao cho đủ tỷ lệ năng lượng nhất định, chứ không phải ăn càng nhiều càng tốt.
Nếu một bữa ăn ta ăn được bao nhiêu bát cơm thì cũng chỉ cần tính đủ lượng gạo lứt tương đương để có được lượng cơm như vậy. Khi ăn phải nhai thật kỹ, nhai cho đến khi ra nước mới nuốt, nếu không sẽ không tốt cho đường ruột, gây ra chứng khó tiêu.
Ngoài ra, khi dùng gạo lứt để nấu ăn phải nấu kĩ. Nếu những người già răng yếu phải ăn trường kỳ cơm gạo lứt khô cứng và khó nuốt là một điều không thực tế và không cần thiết.
Theo ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, việc đồn thổi loại gạo “dược liệu” có khả năng chữa bệnh ung thư là vô căn cứ. Thực tế, nhiều tiểu thương cố tình đồn thổi những tác dụng “thần thánh” của loại gạo này với mục đích đẩy giá lên cao để trục lợi. Do vậy, người dùng nên tìm hiểu kỹ về loại gạo này nếu có nhu cầu sử dụng, cũng như nên mua ở các cơ sở uy tín, có chứng nhận và kiểm soát. |