Đáng tin cậy về chất lượng
Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 6/11/2016 đã quy định cụ thể về việc đánh giá định kì về học tập. Theo đó, vào cuối học kì I và cuối năm học, đối với các môn Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc có bài kiểm tra định kì. Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kì môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kì I và giữa học kì II. Đề kiểm tra yêu cầu phải phù hợp chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo 4 mức độ.
Tại Trường Tiểu học Thị trấn Mường Tè (Lai Châu), việc tổ chức kiểm tra định kì được thực hiện rất bài bản. HS được xếp phòng thi theo thứ tự alpha B với đầy đủ giám thị 1, giám thị 2 và giám thị hành lang... Theo chia sẻ của cô Hiệu trưởng Hồ Thị Tươi, với các khối lớp 1, 2, 3, 4, nhà trường tự ra đề, nhưng trước khi sử dụng phải gửi lên Phòng GD&ĐT duyệt, kiểm tra xem có đảm bảo đúng theo yêu cầu của Thông tư 22 không. Trường cũng quy định giáo viên không được coi thi, chấm bài thi của lớp mình phụ trách; ngoài ra, còn có cán bộ của Phòng GD&ĐT xuống giám sát...
Việc tổ chức kiểm tra với khối lớp 5 còn chặt chẽ hơn vì Phòng GD&ĐT sẽ ra đề kiểm tra; tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường THCS trên cùng địa bàn theo đúng quy định của Thông tư 22. Bài kiểm tra của HS được niêm phong, mang về Phòng GD&ĐT, cử giáo viên chấm thi tại Phòng GD&ĐT và đảm bảo giáo viên không được chấm bài thi HS trường mình. “Tôi có thể khẳng định chất lượng điểm của các kì kiểm tra này là hoàn toàn đáng tin cậy” - cô Hồ Thị Tươi nêu rõ.
Yêu cầu cao trong khâu ra đề
Nhấn mạnh đến chất lượng của đề kiểm tra, ông Trần Văn Liêm - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Bến Tre - cho biết: Yêu cầu về đề kiểm tra định kì ở tiểu học đã được quy định rất cụ thể ở Thông tư 22. Nội dung này đã được Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn rất kỹ.
Sau khi tập huấn, các giáo viên đã được nâng cao năng lực trong việc thực hành biên soạn đề kiểm tra đánh giá định kỳ, nắm vững nguyên tắc, kỹ thuật, quy trình xây dựng ma trận đề kiểm tra đánh giá định kỳ và được rèn luyện kỹ năng ra đề kiểm tra định kỳ theo ma trận. Giáo viên cũng đã biết đổi mới hình thức ra đề kiểm tra đánh giá dựa trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học và định hướng phát triển năng lực, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo 4 mức được quy định tại Thông tư 22. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu tổ chức nhẹ nhàng, thoải mái, không gây áp lực cho HS, nhưng phải đảm bảo tính khách quan.
“Với cách làm nghiêm túc, chặt chẽ như vậy, giáo viên không thể cho ra đề dễ, không đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, về phía quản lý, chúng tôi cũng luôn nhấn mạnh quan điểm kiểm tra, đánh giá nhằm phản ánh đúng năng lực HS chứ không phải hình thức. Ban giám hiệu, giáo viên cũng quán triệt quan điểm này. Muốn có chất lượng thực sự phải tập trung dạy học tốt chứ không phải chỉ thể hiện ở các điểm 9, điểm 10” - ông Trần Văn Liêm cho hay.
GS.TS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Trước đây, đề kiểm tra để phân loại HS, đã phân loại phải có câu khó, nhưng khi đó lại có chỉ trích là tạo cho HS áp lực, các cháu không được vui chơi, căng thẳng, không có tuổi thơ.
Nay quy định mới chủ trương nhẹ nhàng, yêu cầu đề kiểm tra cũng nhẹ nhàng, nên vui vì các cháu được nhiều điểm 10. Nếu điểm 10 đó là khách quan, HS được vừa học vừa vui chơi là tốt, tại sao phải băn khoăn. Về nguyên tắc, không được lấy điểm ra để so sánh các cháu.
Riêng chuyện Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) có nhiều hồ sơ đạt điểm 10 từ lớp 1 đến lớp 5 theo tôi cũng là phù hợp, vì đây là trường mà nhiều HS muốn học, các cháu vào đây đều có học lực tốt, hồ sơ “đẹp”. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, phương thức dùng điểm để tuyển, loại HS ở đầu vào THCS không còn phù hợp nữa vì THCS là cấp phổ cập. Ở cấp học này, cần ưu tiên các cháu ở gần nhà, đó là cách làm nhân văn nhất.