(GD&TĐ)-Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, các địa phương trong cả nước đã và đang tích cực thực hiện các chương trình hành động cụ thể nhằm triển khai các nhóm giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát.
Sử dụng tiết kiệm năng lượng là một trong những biện pháp mà các địa phương thực hiện để kiềm chế lạm phát |
Ngày 4/3, UBND tỉnh Hòa Bình đã họp với lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố để triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện 5 nhóm giải pháp của tỉnh về kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội năm 2011. Bao gồm: thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; tăng thu ngân sách, tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện đầu tư công có hiệu quả; thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng; tăng cường đảm bảo an sinh xã hội; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền.
Riêng về vấn đề cung ứng điện năm nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 305/QĐ-UBND ngày 2/3/2011 phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện mùa khô năm 2011 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định rõ phương thức cấp điện cơ bản, kế hoạch phân bổ sản lượng, công suất điện cho các chi nhánh, kèm theo danh sách khách hàng sử dụng điện quan trọng và khách hàng sử dụng điện được ưu tiên. Kế hoạch được áp dụng từ tháng 3/2011.
Tỉnh Phú Yên tăng cường kiểm soát quy mô, cơ cấu và tốc độ tăng tín dụng của từng tổ chức tín dụng trên địa bàn nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20% và tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%.
Phú Yên phấn đấu tăng thêm ít nhất 6% so với chỉ tiêu tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2011 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, tương đương 82 tỷ đồng.
Từ nay đến giữa tháng 3, các sở, ban, ngành và địa phương chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong 9 tháng cuối năm 2011 tương đương hơn 30 tỷ đồng.
Tại Hà Tĩnh, năm 2011, tỉnh phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 11,5%, do đó cần lượng lớn vốn đầu tư, phát triển (dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội là 8.316,4 tỷ đồng); riêng kế hoạch vốn trái phiếu, cần 961,795 tỷ đồng (gấp đôi mức bình quân chung cả nước).
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch đầu tư phát triển năm 2011, UBND tỉnh yêu cầu các cấp các ngành, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án đầu tư trên địa bàn nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ đầu tư, các ban quản lý các dự án; tổ chức rà soát và tham mưu, đề xuất bổ sung và điều chỉnh các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác đầu tư phát triển trên các lĩnh vực, địa bàn đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành của trung ương; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình xây dựng cơ bản; tăng cường công tác quản lý quy hoạch và công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát; đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục sửa đổi, cải tiến quy trình xử lý và rút ngắn thời gian thụ lý hồ sơ, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư đối với tiến độ thi công và chất lượng dự án…các ngân hàng thương mại trên địa bàn tăng ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh, dừng cho vay đối với các lĩnh vực phi sản xuất như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, quản lý chặt chẽ nguồn ngoại hối.
Hà Tĩnh cố gắng tăng thu thuế thêm 10% (190 tỷ đồng) so với chỉ tiêu đã được HĐND tỉnh quyết định. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm để sớm đi vào hoạt động như dự án nhiệt điện Vũng Áng I, nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh.
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, tỉnh Quảng Trị giảm chi phí công, tăng thu ngân sách 10%, rà soát, bố trí vốn xây dựng cơ bản, nhiệm vụ chi tại các ngành, cơ quan, địa phương để đảm bảo tiết kiệm 10% và cắt giảm chi 10%.
Tỉnh Quảng Trị tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá bất hợp lý, các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chỉ đạo tốt công tác tiết giảm điện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn.
Tỉnh Lai Châu: để thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh đã xây dựng các chủ trương, đưa ra các giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh như: Quyết định ban hành Chương trình hành động; Quyết định giao chỉ tiêu tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên đối với các đơn vị dự toán khối tỉnh và các huyện, thị xã; Quyết định đình, hoãn triển khai một số dự án đầu tư công.
9 tháng cuối năm 2011, các sở, ngành, cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội bằng việc chi tiêu tiết kiệm thêm 10%, với tổng số tiền 26.015 triệu đồng (không bao gồm tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương).
Việc đình, hoãn triển khai tập trung vào 6 dự án khởi công mới sử dụng ngân sách nhà nước năm 2011, với tổng số vốn điều chỉnh 9.628 triệu đồng. quyết định dừng triển khai gần 10 dự án, chương trình chưa khởi công nhưng đã được ấn định trong danh mục đầu tư xây dựng năm 2011. Đồng thời tỉnh giao chỉ tiêu tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên đối với các đơn vị dự toán khối tỉnh và các huyện, thị xã, tương đương với số tiền hơn 26 tỷ đồng.
UBND tỉnh yêu cầu tiết kiệm tối đa trong việc sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu.
Tỉnh Hà Nam thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp, dựa trên kết quả kiểm tra thực tế sẽ thu hồi, giảm thời gian hưởng ưu đãi đầu tư đối với những doanh nghiệp thực hiện dự án không đúng điều kiện được ưu đãi; thanh, kiểm tra và xử lý kịp thời các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế.
Cùng với những chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện các giải pháp để đảm bảo đủ nguồn kinh phí cho vay đối với hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách cần vay vốn để giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động...
Nguyên Phương-Hùng Sơn-Minh Duy