Thực hiện CTGDPT 2018: Giải pháp “chuyển tiếp”

Thực hiện CTGDPT 2018: Giải pháp “chuyển tiếp”

Để thực hiện điều này, có hàng loạt vấn đề được đặt ra, cũng đồng thời là trăn trở của những người làm giáo dục, đó là: Làm thế nào giúp học sinh hiểu và quen dần với dạy học định hướng phát triển năng lực học sinh? Làm thế nào giúp học sinh cuối cấp đang học chương trình hiện hành làm quen với tinh thần chương trình mới khi bước vào lớp đầu cấp học sau (lớp 6, lớp 10)?

Làm thế nào để học sinh học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được thụ hưởng giáo dục định hướng phát triển năng lực? Làm thế nào giúp cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông làm quen với hoạt động quản trị hoạt động giáo dục khi triển khai chương trình mới? Làm thế nào để cộng đồng (cha mẹ học sinh, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân) hiểu và ủng hộ việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới?...

Chia sẻ những vấn đề này, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT trong một phát biểu gần đây đã cho rằng, cần phải thực hiện các giải pháp “chuyển tiếp”. Những vấn đề chuyển tiếp bao gồm chương trình giáo dục, nội dung giáo dục, kế hoạch giáo dục, phương pháp giáo dục, hình thức dạy học giáo dục, chuyển tiếp về kiểm tra – đánh giá, chuyển tiếp về cách tiếp cận điều kiện dạy học, tổ chức – quản trị quá trình dạy học, giáo dục.

Giải pháp “chuyển tiếp” là tổ chức đánh giá những đổi mới (đặc biệt là phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá) trong các cơ sở giáo dục phổ thông trong những năm qua. Tổ chức thực hiện triệt để và hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phổ thông. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học. Tập trung đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá. Tích cực đổi mới quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong các trường phổ thông.

Trên thực tế, để chuẩn bị cho đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT, trong đó có giáo dục phổ thông, nhiều hoạt động đón đầu đổi mới đã được thực hiện, đi vào thực tế cuộc sống giáo dục và phát huy hiệu quả trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đổi mới hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học là một quá trình lâu dài, liên tục, gắn liền với hiểu biết, nhận thức về lí luận và vận dụng thực tiễn, học tập từ trải nghiệm của bản thân người dạy, người học.

Không ít cán bộ quản lý giáo dục còn trăn trở trước điều kiện để thực hiện đổi mới còn nhiều khó khăn; về một bộ phận giáo viên vẫn quen với lối dạy truyền thống, ngại thay đổi, bảo thủ, đi theo lối mòn, không tự tin do năng lực chuyên môn hạn chế, ngại thay đổi… Trong đó, có giáo viên lại than phiền cán bộ quản lý của mình không mở cánh cửa cho sáng tạo, áp đặt giáo viên, không phát huy được sức mạnh đội ngũ, tạo được môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp...

Bởi vậy, vấn đề vô cùng quan trọng, có thể nói là “chìa khóa” giải quyết khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới là phải trả lời được câu hỏi: Làm thế nào để cán bộ quản lý, giáo viên biết đổi mới, được đổi mới, đủ điều kiện để đổi mới, muốn đổi mới? Trả lời được những câu hỏi này và thực hiện được nó cần một quyết tâm rất lớn, không chỉ của riêng ngành Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ