Tạo thêm 6 triệu việc làm mới
Theo dự báo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Việt Nam sẽ có khả năng tạo thêm được 6 triệu việc làm, tương đương với 1/10 số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của toàn bộ khối ASEAN do tác động từ việc hình thành AEC. Khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng 14,5% vào năm 2025.
Trong giai đoạn 2016 - 2025, nhu cầu tuyển dụng nhân sự hình thành 3 cấp nhân lực: Chuyên môn kỹ thuật bậc cao (tăng 41% - 14 triệu chỗ làm việc), chuyên môn kỹ thuật bậc trung (tăng 22% - 38 triệu chỗ làm việc), chuyên môn kỹ thuật bậc thấp (tăng 24% - 12,4 triệu chỗ làm việc).
Các cơ quan nhân lực quốc tế cũng nhận định, nhu cầu tuyển dụng tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là trong các ngành điện tử và dệt may, bởi đây là những ngành sẽ được hưởng những lợi ích lớn từ một loạt các xu thế chuyển dịch đầu tư tới đây. Có thể thấy, nhu cầu lao động tại Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp từ một số yếu tố lớn, theo đó, sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Với những yếu tố này, thị trường lao động Việt Nam được dự báo sẽ có những chuyển biến lớn với việc gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Các xu hướng việc làm chủ yếu bao gồm: Việc làm trong các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; Xuất khẩu lao động; Di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh thành, khu vực kinh tế và quốc gia và hội nhập; Khởi nghiệp, tự tạo việc làm.
Ưu tiên công nghệ cao
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo, ngành điện tử và viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Đồng thời Chiến lược cũng định hướng quy hoạch không gian theo các vùng lãnh thổ sẽ bao gồm vùng công nghiệp lõi và vùng công nghiệp đệm, trong đó các địa phương thuộc vùng lõi gồm 4 vùng kinh tế trọng điểm và 5 khu kinh tế biển được ưu tiên phát triển. Vùng Đông Nam Bộ (trong đó có vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam), phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu phát triển công nghiệp phụ trợ.
Theo Quy hoạch vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến 2020, định hướng 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-TT ngày 13/2/2014 đã xác định vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; là vùng duy nhất hiện nay hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đặc biệt phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, tin học, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hóa dầu; phát triển dịch vụ cao cấp, dịch vụ du lịch, dịch vụ viễn thông, tài chính, ngân hàng.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện là vựa lúa của cả nước; nông nghiệp, thủy sản là những ngành nghề chính, nhưng hiện nay tỷ lệ sinh viên theo học những ngành nông, lâm, thủy sản trong các trường đại học trong vùng lại quá thấp.
Sự thiếu hụt này đang cần tới những chính sách cụ thể nhằm thu hút nguồn nhân lực trẻ tạo đà phát triển mạnh mẽ cho vùng kinh tế trọng điểm này.