(GD&TĐ)-Hôm nay (2/11), Diễn đàn khu vực về quan hệ hợp tác giữa trường Đại học – ngành công nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Diễn đàn sẽ kéo dài đến hết ngày 4/11 tới.
Quang cảnh diễn đàn |
Đây là sự kiện do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) tổ chức, với sự tham dự của 11 quốc gia Châu Á và các chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới.
Diễn đàn diễn ra đúng vào thời điểm các quốc gia đang phát triển ngày càng nhận ra tầm quan trọng của trường đại học trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các tập đoàn, doanh nghiệp cũng nhanh chóng tìm kiếm những lợi ích từ việc cung ứng những phát minh mới, các hợp đồng nghiên cứu của các trường đại học .
Tại diễn đàn, các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ WIPO, JPO và 11 quốc gia trong khu vực sẽ cùng nghiên cứu, thảo luận và đưa ra những giai pháp tối ưu nhất nhằm tìm ra những mô hình khác nhau cho sự hợp tác nghiên cứu giữa trường đại học và ngành công nghiệp. Diễn đàn cũng là cơ hội hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, quản lý sở hữu trí tuệ, các trường đại học, các ngành công nghiệp Việt Nam và khu vực trao đổi quan điểm về các biện pháp cần thiết để bắt đầu và duy trì chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ xanh .
Theo ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện Việt Nam, việc chuyển giao công nghệ từ các trường đại học cho ngành công nghiệp theo các hình thức thương mại hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số yếu tố khách quan như: khung pháp lý còn yếu, thiếu các sản phẩm có tính sáng tạo và năng lực hạn chế của các bên liên quan. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành hàng loạt các văn bản chính sách để quyết vấn đề này.
Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ đã có kế hoạch thành lập Trung tâm Hỗ trợ Phát triển tài sản sở hữu trí tuệ đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trung tâm này sẽ thực hiện nhiệm hỗ trợ, tư vấn, khai thác thông tin, bằng sáng chế, thương mại hóa công nghệ... cho các doanh nghiệp, các cơ quan KH&CN và trường đại học...
Hiện nay, hầu hết các trường đại học, nhất là các trường đại học kỹ thuật - công nghệ ở Việt Nam đều chưa có cơ quan chuyên trách về chuyển giao công nghệ và SHTT. Điều đáng nói là các đại học lớn nhất cả nước như ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng chưa có một cơ quan chuyên trách theo mô hình ăn phòng Licensing - chuyển giao công nghệ TLO. Vì vậy, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học có giải pháp kỹ thuật hoặc sáng chế rất lúng túng khi phải thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ độc quyền các sản phẩm khoa học của mình nhất là khâu chuẩn bị đơn và nộp đơn cho Cục SHTT.
Lập Phương