Thúc đẩy dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật

GD&TĐ - Với người khuyết tật (NKT) nghề nghiệp và việc làm, không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần mà còn có tác động tích cực đến sự tự chủ, tự tin, khẳng định giá trị bản thân và hòa nhập cộng đồng. 

Thúc đẩy dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật

Trong nhiều năm qua, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT là một công tác được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ tích cực, tuy nhiên công tác này vẫn cần được thúc đẩy hơn nữa, trong đó thúc đẩy nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với NKT.

Nhiều chính sách và hoạt động hỗ trợ cụ thể

Hỗ trợ dạy nghề cho NKT, Nhà nước đang thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính và các ưu đãi đối với các cơ sở dạy nghề cho NKT, nhằm thúc đẩy công tác dạy nghề cho đối tượng này. Các cơ sở dạy nghề dành riêng cho NKT được ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi, được hỗ trợ vốn, cấp kinh phí đào tạo, miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi, ưu tiên đầu tư, bảo đảm định mức kinh phí đào tạo...

Đến nay, cả nước đã có khoảng trên 1.000 cơ sở tham gia dạy nghề cho NKT. Đối với NKT tham gia học nghề được xem xét cấp học bổng và trợ cấp xã hội, được miễn, giảm học phí căn cứ vào mức độ khuyết tật và mức suy giảm khả năng lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đồng thời ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT, hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT, qua đó góp phần tăng thêm nhiều cơ hội việc làm cho NKT.

Báo cáo của Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam cho thấy, trong 25 năm qua, Hội và các tổ chức thành viên đã trực tiếp vận động ủng hộ được hơn 2.523 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 268,2 tỷ đồng. Từ nguồn quĩ này, Hội triển khai các hoạt động hỗ trợ NKT trên cơ sở bám sát các chương trình, đề án của Chính phủ. Trong đó, Hội đã tổ chức nhiều hình thức dạy nghề, tạo việc làm cho 27.400 lượt NKT với tổng kinh phí 74,2 tỷ đồng, NKT học nghề có việc làm đạt tỷ lệ 70%.

Hội cũng đã đề ra chương trình “Hỗ trợ sinh kế cho NKT, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới”, mở ra hướng đi mới trong công tác trợ giúp NKT ở những xã xây dựng nông thôn mới, tạo cơ hội thoát nghèo, cải thiện điều kiện sống thông qua các chương trình xây nhà, công trình vệ sinh, tặng vật nuôi, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật… Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình bằng việc hỗ trợ vay vốn cho gần 5.000 lượt người, trị giá 10,7 tỷ đồng; hỗ trợ vật nuôi cho 4.500 gia đình, trị giá 15 tỷ đồng...

Còn hạn chế về nhận thức

Cũng theo Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, khả năng của NKT và những đóng góp của họ vào sự phát triển của xã hội là rất lớn, nhưng nhận thức của cộng đồng và chính bản thân NKT về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Hội đã đặc biệt quan tâm, thực hiện các chương trình nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật nhân các dịp kỷ niệm Ngày NKT Việt Nam, Ngày quốc tế NKT…

Ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: Bên cạnh những việc mà Hội đã làm được thì vẫn còn những khó khăn như: Công tác thông tin tuyên truyền chưa được thường xuyên, đồng đều, không mang lại hiệu quả. Số lượng và nhu cầu trợ giúp của NKT, TMC ngày càng gia tăng, đa dạng; xu thế phát triển đặt ra phương hướng tiếp cận dựa trên quyền của đối tượng trong khi năng lực của cán bộ Hội chưa theo kịp sự thay đổi này.

Ông Nguyễn Đình Liêu cũng lưu ý, trong lĩnh vực dạy nghề và tiếp cận các dịch vụ NKT cũng còn gặp nhiều khó khăn, NKT tham gia công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm vẫn còn bị hạn chế, trong khi nhu cầu còn rất lớn, nhưng điều kiện khả năng đáp ứng, tạo điều kiện cho NKT chưa nhiều.

Về mặt chính sách đã cơ bản tương đối hoàn thiện và đã đi vào cuộc sống, nhưng phải tiếp tục hoàn thiện theo hướng của Luật Người khuyết tật và Công ước quốc tế NKT, theo kế hoạch Công ước mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành để bảo đảm cho NKT được tiếp cận nhiều hơn đối với các dịch vụ cơ bản. Tiếp tục tăng cường xã hội hóa trợ giúp NKT, động viên, khuyến khích NKT tự mình phấn đấu vươn lên làm chủ cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.