Thừa Thiên - Huế: Ngư dân khổ vì thiếu âu thuyền tránh bão

GD&TĐ - Mùa lụt bão đang cận kề thế nhưng nỗi lo lớn nhất của ngư dân tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay là thiếu âu thuyền tránh bão trong mùa mưa lũ. 

Thừa Thiên - Huế: Ngư dân khổ vì thiếu âu thuyền tránh bão
Thừa Thiên - Huế: Ngư dân khổ vì thiếu âu thuyền tránh bão ảnh 1Thừa Thiên - Huế: Ngư dân khổ vì thiếu âu thuyền tránh bão ảnh 2Thừa Thiên - Huế: Ngư dân khổ vì thiếu âu thuyền tránh bão ảnh 3Thừa Thiên - Huế: Ngư dân khổ vì thiếu âu thuyền tránh bão ảnh 4

Toàn tỉnh hiện có 2.000 tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển và vùng đầm phá. Thế nhưng, hiện nay các âu thuyền lớn nhỏ trên địa bàn không đáp ứng đủ nhu cầu tránh trú bão cho tàu thuyền; một số âu thuyền xây dựng đã lâu nên xuống cấp, tạm bợ… 

Trong khi đó, công tác nạo vét những âu thuyền hiện có còn nhiều bất cập, chậm trễ dẫn đến tình trạng “tùy nghi di tản” trong mùa mưa bão cứ kéo dài.

Âu thuyền xuống cấp " hành" ngư dân

Xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Quang Dân - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có gần 300 phương tiện tàu thuyền, ghe ghọ tham gia khai thác thủy sản trên vùng biển và đầm phá. Trong đó, có 57 tàu đánh bắt xa bờ. 

Nghề biển mang lại nguồn thu lớn, giải quyết hàng trăm lao động của địa phương.” Thế nhưng, nhiều năm qua, ngư dân xã biển hết sức khó khăn khi âu thuyền Phú Thuận đã xuống cấp, bờ đê dẫn ra cầu cảng bị bão đánh sập khiến tàu thuyền không có nơi trú ngụ, công tác vận chuyển ngư lưới cụ khó khăn. 

Ông Ngô Đức Hảo - Chủ tàu ở thôn An Dương - cho biết: Âu thuyền Phú Thuận được xây từ lâu. Trận bão số 10 năm 2003 sóng quật mạnh làm bờ đê dẫn ra cầu cảng bị xói lở, xe chở ngư lưới cụ không thể ra tới được nên tàu thuyền ngư dân phải đi neo đậu ở các vùng biển khác, vừa nguy hiểm, vừa tốn kém chi phí xăng dầu.

Theo nhiều ngư dân ở đây cho biết, âu thuyền Phú Thuận có vị trí khá “đắc địa” trong việc cho tàu thuyền tránh trú bảo bởi được bảo vệ bởi những rừng cây, khu nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng chắn gió xung quanh. Chỉ cần nâng cấp, sửa chữa âu thuyền Phú Hải cho khoảng 30 tàu thuyền neo đậu là được. 

Bên cạnh đó, do bờ đê ở cầu cảng khá ngắn nên công tác chắn sóng, bảo vệ tàu thuyền neo đậu trong mùa mưa bão vẫn chưa phát huy được hiệu quả. 

Ông Nguyễn Quang Dân- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận - thừa nhận: “Âu thuyền Phú Hải được xây dựng năm 2000 với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Qua thời gian, âu thuyền đã xuống cấp, gây khó khăn, nguy hiểm cho ngư dân trong mùa tránh trú bão”.

Tại âu thuyền Phú Hải (xã Phú Hải, Phú Vang) tình trạng bồi lắng làm cho luồng lạch cạn, hẹp cũng gây khó khăn, nguy hiểm và tốn kém cho tàu thuyền ra vào khu vực này. 

Mặc dù được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí trên 40 tỷ đồng, do sở NN&PTNT TT- Huế làm chủ đầu tư, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 500 tàu thuyền của 3 xã và thị trấn của huyện Phú Vang, nhưng từ khi được đưa vào sử dụng đến nay, khu vực neo đậu, tránh trú bão này đã “làm khổ” hàng trăm tàu thuyền của ngư dân. 

Ông Nguyễn Ngọc Ái - Chủ tàu mang số hiệu TTH 90136 ở xã Phú Hải - cho biết: “Từ khi âu thuyền được xây dựng, đưa vào sử dụng, bà con ngư dân đã phát hiện ra luồng lạch ra vào đã bị cạn, hẹp, đã phản ánh nhiều lần nhưng không thấy khắc phục. 

Từ đó đến nay, đã có hàng chục tàu thuyền bị mắc cạn khi ra vào khu vực này. Bình quân mỗi tàu thuyền tốn kinh phí 2-3 triệu đồng để thuê tàu kéo khi mắc cạn. Mùa mưa bão thì phải chen chúc neo đậu hay phải đi nơi khác tránh trú bão rất nguy hiểm và tốn kém”.

Nỗi lo khi mùa mưa bão về

Trong nhiều năm, việc các luồng lạch bị bồi lắng, hẹp của các cảng biển, âu thuyền đã gây nên hàng chục vụ tai nạn tàu thuyền làm thiệt hại về người và của của hàng chục ngư dân huyện Phú Vang và thị xã Hương Trà. 

Gần đây nhất là ngày 18/1/2014, tàu cá mang số hiệu TTH-26669 của ông Hồ Văn Hiền (43 tuổi, ngụ thị trấn Thuận An) sau khi đánh bắt cá, đang trên đường vào cảng Thuận An thì bị mắc cạn ngay tại luồng ra vào cảng. 

Gặp sóng to gió lớn, chỉ trong thời gian ngắn, tàu ông Hiền đã nhanh chóng bị đánh chìm làm 4 ngư dân thiệt mạng; chiếc tàu sau đó được trục vớt vào bờ nhưng cũng hư hại nghiêm trọng. Những vụ tai nạn tương tự diễn ra khá nhiều lần trong những năm gần đây do tình trạng cảng biển, âu thuyền ngày một thêm bồi lắng.

Ông Phan Minh Thắng - Chủ tịch UBND xã Phú Hải - cho biết: “Tình trạng nơi tránh trú bão cho tàu thuyền Phú Hải bị bồi lắng đã nhiều năm, gây nhiều thiệt hại cho ngư dân. 

Đã nhiều lần chính quyền địa phương, ngư dân kiến nghị lên cấp trên để tăng cường nạo vét luồng lạch, tạo điều kiện cho ngư dân ra vào tránh trú, đánh bắt nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.

Tại cảng Thuận An, chiều sâu bị bồi lắng có nơi chỉ còn khoảng 1-2 m; chiều rộng được thông báo là 60 m nhưng thực tế chỉ được 20-30 m mà thôi. Nếu đưa thuyền vào không cẩn thận là “dính bẫy” ngay”. Theo nhiều ngư dân, chỉ cần tàu thuyền vào cảng Thuận An mắc cạn, gặp gió lớn là bị đánh chìm.

Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 30 âu thuyền lớn nhỏ nằm rải rác ở 26 xã ven biển và đầm phá, chỉ đáp ứng được một nửa trong số hơn 2.000 tàu thuyền tránh trú trong mùa mưa bão. 

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng: Các bến neo đậu thuyền tránh bão chỉ sử dụng một vài lần trong năm, do đó việc đầu tư để đầy đủ tất cả thì kinh phí nhà nước không thể nào một lúc đảm đương được.

 Chúng tôi nhận thấy một số khu neo đậu tự nhiên mà ngư dân ta đã neo đậu trong những năm qua, ví dụ như khu neo đậu Phú Thanh trong mùa mưa bão năm 2014 có khoảng 80 tàu cá cỡ lớn vào neo đậu. Ngoài ra chi cục đã đi khảo sát một số khu neo đậu như Cồn Đâu (Hải Dương) rồi ở ngã ba Sình trên sông Hương".

Không những thiếu nơi neo đậu, nhiều khu neo đậu tàu thuyền ở tỉnh Thừa Thiên-Huế xây dựng đã lâu, xuống cấp, tạm bợ không đảm bảo an toàn. Mỗi khi có mưa bão đến, ngư dân phải “chạy đôn, chạy đáo” tìm chỗ neo đậu tạm bợ ở các khu vực kín gió để tự bảo vệ tàu thuyền trong thấp thỏm âu lo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ