Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mỗi tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải là trung tâm đổi mới sáng tạo

GD&TĐ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần khẩn trương nâng cao năng lực quản trị, cạnh tranh. Đặc biệt cần kiện toàn nâng cấp bộ máy điều hành; nâng cao tính tự chủ, tự lực, đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Mỗi tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước

Ngày 16/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Còn tâm lý ỷ lại

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ba nội dung chính cần quán triệt đó là: Quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách DNNN để triển khai tốt hơn nhiệm vụ này bảo đảm đúng hướng, hiệu quả, bền vững và coi trọng vai trò DNNN. Nội dung thứ hai là cần đánh giá đúng thực trạng tình hình, kết quả đạt được, các hạn chế yếu kém; tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan và rút kinh nghiệm. Nội dung chính thứ 3 là giải pháp trọng tâm thời gian tới, tập trung vào trả lời câu hỏi: “Chúng ta cần phải làm gì để thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN; hiệu quả là quan trọng nhất?”.

Thủ tướng cũng đánh giá thời gian qua, đã có nhiều cách làm, chủ trương để chống trì trệ, thất thoát, do đó, tài sản tăng, hàng tồn kho giảm, doanh thu từ khối DNNN tăng, nộp về NSNN cao hơn. Công tác chống thất thoát và chống tham nhũng được chú trọng. Hiệu quả hoạt động của DNNN được cải thiện hơn, thể hiện vai trò chủ đạo trong một số lĩnh vực, tạo nguồn thu lớn. Đặc biệt, nhờ có vai trò của DNNN trong một số lĩnh vực nên kinh tế vĩ mô tốt hơn trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều chao đảo, phức tạp như vừa qua.

Phân tích những tồn tại của DNNN, Thủ tướng chỉ rõ, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, phương án cổ phần hóa mới được 36 doanh nghiệp, đạt 29% kế hoạch; phương án sử dụng đất, sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa lịch sử có nhiều khó khăn có nơi chậm, có nơi thiếu, cần tháo gỡ.

Cơ chế phối hợp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước với các bộ, ngành địa phương, tập đoàn, tổng công ty còn bất cập, nhiều trường hợp còn tâm lý ỷ lại, “quyền anh quyền tôi, không vì đại cục đất nước”. Tốc độ doanh thu có tăng nhưng thu hút vốn đầu tư phát triển mới có tốc độ thấp hơn khu vực ngoài Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán (755 doanh nghiệp)…; tồn tại về tái cơ cấu thoái vốn còn lớn.

Trung tâm đổi mới sáng tạo

Về những nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: Sự lớn mạnh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước luôn có vai trò quan trọng, “là ngọn cờ bảo vệ đường lối kinh tế mà chúng ta đang đặt ra trong quá trình phát triển đất nước”. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần khẩn trương nâng cao năng lực quản trị; nâng cao hiệu quả của bộ máy điều hành, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tăng năng lực cạnh tranh.

Đi đầu trong nghiên cứu, phát triển đổi mới công nghệ, mỗi tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải là trung tâm đổi mới sáng tạo. Đào tạo nguồn nhân lực bài bản, chất lượng cao, đi tiên phong trong đổi mới công nghệ, hình thành chuỗi giá trị trong nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước phải rà lại hệ thống các văn bản pháp luật để tạo quyền lớn hơn và trách nhiệm rõ ràng hơn cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Đặc biệt, khối DNNN cần chú trọng công tác xây dựng Đảng, nêu cao tinh thần phát triển, đổi mới sáng tạo, đi cùng với đoàn kết, động viên người tài để có bộ máy điều hành tốt nhất.

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Như vậy theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 707/QĐ-TTg thì các cơ quan, đơn vị sẽ phải thực hiện xây dựng phương án cơ cấu lại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với 526 DNNN.
Tính đến ngày 30/9/2019, đã có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707. Số lượng DN chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 (chiếm 71%).
Trong 9 tháng đầu năm 2019 có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ