Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại trường ĐH Cần Thơ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại trường ĐH Cần Thơ

(GD&T) - Sáng nay (20/3), đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các Bộ, ngành trung ương đã đến thăm và làm việc tại trường ĐH Cần Thơ.

Báo cáo tại buổi làm việc, trường ĐH Cần Thơ hiện có 39 đơn vị trực thuộc gồm 14 khoa, 3 viện nghiên cứu, 8 trung tâm, 1 bộ môn trực thuộc và phòng ban chức năng. Về đội ngũ trường có 2.015 người, trong đó có 1.174 cán bộ giảng dạy, 284 cán bộ viên chức, hành chính, phục vụ. Về trình độ có 4 GS, 58 PGS, 235 Tiến sĩ, 740 Thạc sĩ, 713 ĐH. Tổng số cán bộ giảng dạy có trình độ sau ĐH của trường là 816/1.174 người (đạt tỷ lệ 73,3%). Ngoài ra trường có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng với số lượng 165 người, trong đó có 16 GS, 23 PGS, 28 TS và 40 Ths. Trong công tác đào tạo, bình quân hằng năm nhà trường cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước hơn 800 lượt cán bộ, viên chức từ nhiều nguồn học bổng tài trợ và kinh phí khác nhau…

Trường đã áp dụng đào tạo học chế tín chỉ theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT từ năm 2007, đến nay học chế tín chỉ của trường đã hoàn thiện… Tổng số SV năm học 2012-2013 của trường ĐH Cần Thơ là 49.829 SV bậc ĐH với 85 chuyên ngành. Bậc sau ĐH có 33 chuyên ngành cao học và 9 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ với 3.329 học viên. Hằng năm trường có trên 4000 SV tốt nghiệp ra trường. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trồng cây lưu niệm tại trường ĐH Cần Thơ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trồng cây lưu niệm tại trường ĐH Cần Thơ      ­

Về nghiên cứu khoa học, trong 10 năm qua trường thực hiện tổng số 1.545 đề tài các cấp, trong đó có 8 đề tài khoa học thuộc chương trình cấp nhà nước, 645 đề tài cấp Bộ và đề tài hợp tác với địa phương, 733 đề tài cấp trường và 170 đề tài hợp tác quốc tế. Hiện trường có hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với hơn 110 viện, trường và tổ chức quốc tế. Về cơ sở vật chất, trường có 4 cơ sở chính gồm: khu 2 là khu học thuật chính của trường, tọa lạc trên diện tích khoảng 80 ha tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Khu 1 nằm trên đường 30 tháng 4 và khu 3 nằm trên đường Lý Tự Trọng, TP. Cần Thơ, rộng khoảng 6,5 ha và khu Hòa An nằm ở tỉnh Hậu Giang rộng khoảng 112 ha.  

Theo thống kê, đến nay trường ĐH Cần Thơ đã đào tạo 38 khóa với 80 ngàn SV, học viên tốt nghiệp ra trường. Từ đó cung cấp nguồn cán bộ có bằng cử nhân, Ths, TS cho vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.      

Bên cạnh những thuận lợi, trường cũng gặp một số khó khó khăn, vướng mắc như: nguồn nhân lực của trường dù được quan tâm đầu tư, phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhà trường. Lực lượng có học hàm học vị cao không đồng đều ở các khối ngành và các đơn vị trong trường, cần được quan tâm nhiều hơn và có chủ trương, chính sách phù hợp. Việc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp vùng, quốc gia của trường còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, bên cạnh nỗ lực của trường cần có cơ chế từ nhà nước và bộ ngành.

Dù có quy hoạch phát triển trường ĐH Cần Thơ đến năm 2020 nhưng nhìn chung trang thiết bị đầu tư không đồng đều và không đồng bộ cho các đơn vị trong trường… Do đó còn nhiều cán bộ, SV của một số đơn vị trong trường làm việc, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học trong các dãy nhà tạm cấp 4. Các dự án hợp tác quốc tế và trong nước gặp khó khăn do yêu cầu về vốn đối ứng trong khi nguồn lực tài chính của trường có hạn. Nguồn thu học phí chưa đáp ứng yêu cầu chi tiêu cho các hoạt động đào tạo của trường…        

Tại buổi làm việc, trường ĐH Cần Thơ cũng có kiến nghị, đề xuất, như: Chính phủ và các Bộ, ngành giúp đỡ hỗ trợ trường ĐH Cần Thơ phát triển thành ĐH nghiên cứu và tiếp tục là trường trọng điểm với cơ chế tự chủ cao hơn, được đầu tư để đảm bảo nhiệm vụ đầu mối cho vùng ĐBSCL. Chiến lược phát triển trường ĐH Cần Thơ đến 2020 và tầm nhìn 2030 được bộ GD&ĐT phê duyệt từ năm 2007 nhưng mức đầu tư còn hạn chế, Chính phủ và các Bộ ngành quan tâm đầu tư để đảm bảo kế hoạch phát triển của trường. Chính phủ và Bộ GD&ĐT giúp đỡ trường được tiếp nhận dự án đầu tư nâng cấp trường ĐH Cần Thơ đạt đẳng cấp quốc tế bằng nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản. Hỗ trợ ĐH Cần Thơ triển khai thực hiện chương trình liên kết vùng… Giúp trường ĐH Cần Thơ thực hiện chương trình đào tạo nhân lực theo nhu cầu địa phương ở ĐBSCL được triển khai tại khu 4 của trường tại Hòa An, Hậu Giang...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà nhà trường đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là đóng góp vào sự phát triển của các địa phương ĐBSCL. Thủ tướng mong muốn trường ĐH Cần Thơ được xây dựng thành trường ĐH xuất sắc, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước… Thủ tướng nhấn mạnh, trường ĐH Cần Thơ phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong ba đột phá chiến lược.

Thủ tướng cũng đề nghị ĐH Cần Thơ quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Phấn đấu tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ...

Thủ tướng lưu ý nhà trường, bên cạnh việc đào tạo cần quan tâm đến công tác giáo dục SV, tạo điều kiện để SV tự giác học tập, nghiên cứu, chú trọng giáo dục nhân cách, lý tưởng, hoài bão cho SV...

Nguyễn Quốc Ng­ữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ