1. Thay đổi môi trường khiến đối phương cư xử hoà nhã hơn
“Kích hoạt” (Priming) là hiện tượng tâm lí khi một kích thích sẽ đưa tới một phản ứng cụ thể cho một kích thích khác, thông thường là theo một cách vô thức.
Một nghiên cứu được trích dẫn trong cuốn “You Are Not So Smart” đã phát hiện ra những người tham gia trò chơi tối hậu thư, khi được ngồi trong một căn phòng kín với va-li, chiếc cặp da và bút mực có xu hướng giữ lại tiền cho bản thân nhiều hơn khi được đặt trong căn phòng có những đồ vật gây kích thích vị giác. Không ai trong số những người chơi biết được điều gì đang diễn ra và có vẻ những đồ vật có liên hệ đến kinh doanh đã gợi ra những kích thích cạnh tranh.
Thủ thuật tâm lý này có thể áp dụng hữu ích khi bạn cần thương thảo chẳng hạn. Thay vì gặp nhau trong những phòng họp, hội nghị nghiêm túc, hãy thử hẹn gặp đối tác ở những không gian thoải mái hơn như quán cà phê... Bạn sẽ nhận ra sự thay đổi lớn trong thái độ của họ.
2. Giúp đỡ ai đó đạt được mục tiêu của họ để đổi lấy những gì bạn muốn
Nhà tâm lí học Robert Cialdini cho rằng có một cách để gây ảnh hưởng lên người khác chính là tạo ra quy luật hai chiều, có qua có lại. Có thể hiểu một cách đơn giản rằng, bạn giúp ai đó một việc người đó cần và họ sẽ cảm thấy mình cần phải làm gì đó để “trả ơn” bạn.
Một điều nhỏ cần nhớ là khi nhận được lời cảm ơn vì sự giúp đỡ, thay vì nói "không có gì đâu" thì bạn hãy nói "đó là điều mà bạn bè/đối tác vẫn làm cho nhau”. Một lưu ý rất nhỏ song sẽ khiến họ có cảm giác mình cần làm một điều gì đó tương tự cho bạn.
3. Bắt chước ngôn ngữ cơ thể của đối phương để chiếm cảm tình
Bạn muốn tạo ấn tượng tốt với người bạn mới gặp hay nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn tuần tới? Hãy thử bắt chước một cách tinh tế cách đối phương ngồi hay nói chuyện. Điều này có thể giúp bạn dễ chiếm được cảm tình của người khác hơn.
Các nhà khoa học gọi đây là “hiệu ứng tắc kè hoa”. Chúng ta thường thích nói chuyện với những người có cùng tư thế, phong thái, hay cách biểu cảm khuôn mặt. Điều kì lạ ở hiện tượng này là nó hoạt động một cách gần như hoàn toàn vô thức, chúng ta thậm chí không nhận ra rằng người đối diện đang cố gắng “bắt chước” mình.
4. Chạm nhẹ nhàng
Một nghiên cứu tiến hành năm 1991 cho thấy những người mua sắm tại cửa hàng sách được chào đón bằng một cái chạm nhẹ vào cánh tay đã dành nhiều thời gian hơn trong cửa hàng và kết quả là họ mua nhiều mặt hàng hơn những khách hàng còn lại.
Một nghiên cứu thú vị khác cho kết quả rằng những người đàn ông chạm nhẹ vào cánh tay phụ nữ trong khi bắt chuyện sẽ có khả năng cao hơn xin được số điện thoại của họ. Tuy nhiên khi sử dụng mẹo tâm lý này, bạn cần lưu ý đến đặc điểm văn hoá của từng vùng miền nhé!
5. Tăng tốc độ nói trong các cuộc tranh luận để giành được sự đồng tình
Cách bạn truyền tải ý tưởng của mình cũng quan trọng không kém nội dung lập luận của bạn. Nghiên cứu được thực hiện bởi trường Đại học Georgia cho thấy khi một người có quan điểm trái chiều, bạn tăng tốc độ nói sẽ khiến cho họ ít có thời gian suy nghĩ, đánh giá quan điểm của bạn hơn và dễ khiến đối phương đồng ý với quan điểm của bạn trong vô thức.
Ngược lại, khi bạn đang đề cập đến một vấn đề và nhận được sự đồng tình, hãy nói chậm lại để đối phương có thêm nhiều thời gian hiểu rõ và sâu hơn.
6. Gây rối trí để đạt được điều mong muốn
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, khi những người tham gia bán thiệp từ thiện tại các gia đình, chiến thuật “làm rối trí” giúp họ có doanh số tăng gấp đôi. Cụ thể, ban đầu họ bán 8 bức thiệp với giá 3 USD và sau đó đổi chiến thuật thành bán 8 bức thiệp với giá 300 cent (cũng bằng 3 USD), số gia đình đồng ý mua đã tăng gấp đôi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng kĩ thuật này làm gián đoạn tiến trình suy nghĩ thông thường của người nghe. 300 cent có giá trị tương đương 3 USD nhưng người nghe đã bị phân tâm trong lúc cố gắng hình dung xem 300 cent là bao nhiêu USD và họ dễ chấp nhận phương án này hơn vì nghĩ rằng mình mua được giá hời hơn.
7. Đưa ra lời mời cộng tác khi đối phương đang mệt mỏi
Khi đầu óc đủ tỉnh táo, chúng ta sẽ cảnh giác, ngờ vực hơn với những lời đề nghị. Tuy nhiên, khi bạn thấy mệt mỏi hay mất tập trung, cơ chế hiệu ứng cảnh báo sẽ hoạt động thiếu hiệu quả và bạn dễ tin rằng điều người khác nói là đúng.
Nếu muốn nhờ vả đồng nghiệp hỗ trợ mình một công việc nào đó trong khoảng 1 tiếng, hãy nhờ họ vào thời điểm cuối ngày. Khi đó, họ không còn đủ năng lượng và tỉnh táo để nhận ra điều bạn nói công việc có thể hoàn thành trong 1 tiếng là chính xác hay không.
8. Sử dụng hình ảnh con mắt để khiến mọi người hành xử có ý thức hơn
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Newcastle chỉ ra rằng, chúng ta cư xử có văn hóa hơn khi nhìn thấy hình ảnh đôi mắt.
Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học đã đặt hình những đôi mắt trong một căng tin công cộng thay vì tranh hoa cỏ và theo dõi phản ứng của khách hàng. Kết quả là số lượng người dọn dẹp sạch sẽ góc của mình sau khi ăn nhiều hơn hẳn. Tác giả của nghiên cứu cho rằng, hình ảnh đôi mắt khiến chúng ta cảm thấy như có ai đang nhìn mình nên hành động có ý thức trách nhiệm hơn.
Khi muốn mọi người hành động có văn hóa và trách nhiệm hơn, ví dụ như trong thư viện chẳng hạn, bạn hãy thử mẹo tâm lý này.
9. Sử dụng danh từ thay vì động từ để khiến mọi người thay đổi hành vi
Trong một nghiên cứu được đưa ra, các tình nguyện viên được hỏi hai mẫu câu khác nhau với nội dung tương tự: "Đi bầu cử vào ngày mai quan trọng như thế nào với bạn?” và “Việc trở thành một cử tri vào ngày mai quan trọng như thế nào với bạn?”. Kết quả cho thấy những người được hỏi câu thứ 2 có tỷ lệ đi bầu vào ngày tiếp theo cao hơn.
Điều này được lý giải là do họ bị thúc đẩy bởi nhu cầu “thuộc về” và việc sử dụng danh từ thay vì động từ khiến họ cảm thấy mình có chung bản sắc và là một thành viên của nhóm cụ thể.