Tôi kém lợi thế trước 3 huấn luyện viên còn lại
- Cơ duyên nào khiến chị quyết định nhận lời làm huấn luyện viên The Voice mùa thứ 3 sau khi từ chối một lần trước đó?
- 10 năm qua, tôi không sinh hoạt nghệ thuật tại Việt Nam thường xuyên nên chương trình thu hút khán giả như The Voice chính là cơ hội để xây dựng lại hình ảnh cũng như tiếp cận khán giả
Chính sự vắng bóng quá lâu khiến tôi chưa đủ tự tin liệu âm nhạc của mình được đón nhận như thế nào. Đặc biệt là giới trẻ bởi họ là người luôn cập nhật, nhạy bén và trên hết là thành phần trực tiếp bình chọn, quyết định diễn biến của cuộc thi. Trong khi đó, các huấn luyện viên còn lại ai cũng có bề dày kinh nghiệm, thành tích đáng kể cũng như lượng fan đông đảo. Tôi không thuộc thế hệ của Tuấn Hưng hay Mỹ Tâm nên phải đắn đo rất nhiều, nhất là trong việc không có nhiều fan để thí sinh của mình có thêm lợi thế.
Tuy nhiên, trước khi đồng ý quay trở về, tôi nghĩ con người luôn cần có những quyết định bước qua nỗi sợ hãi của bản thân, thể hiện sự dũng cảm trước những thử thách trong cuộc sống. Nhiều ca sĩ nổi tiếng trong nước có thể cũng nhận lời mời, nhưng lý do nào đó họ chọn cách đi an toàn hoặc chưa sẵn sàng để trả giá nếu như có gì đó không vừa ý.
Trước đây, tôi có khoảng thời gian trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống nên luôn có tâm thế chọn cách sẵn sàng đón nhận mọi thứ.
- Những lo ngại về việc “không quen mặt” với thí sinh tác động như thế nào đến quá trình thuyết phục nhân tài của chị tại vòng Giấu mặt?
- Câu hỏi này phần nào được giải đáp cho tôi trong 2 ngày ghi hình vừa qua. Khi thuyết phục thí sinh, tôi luôn chia sẻ với các em rằng dù không biết nhau, nhưng chính điều đó lại khiến chúng tôi trở nên nên hấp dẫn, cuốn hút nhau. Từ đó thôi thúc mỗi người muốn khám phá đối phương có gì và trên hết là làm được những gì cho nhau. Chính những kinh nghiệm mà tôi có được khiến các em cảm thấy yên tâm và tin tưởng.
Tôi luôn quan niệm bất lợi đôi khi cũng là lợi thế, quan trọng là biết cách chuyển bại thành thắng vào đúng thời điểm. Sau vòng Giấu mặt, tôi tương đối đạt được những điều ngoài dự định. Đúng là sân chơi này luôn chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ.
- Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng đều dành những lời thán phục trước khả năng ăn nói của chị. Nhưng đôi khi quá khéo léo chưa hẳn chiếm được cảm tình của khán giả, điển hình là trường hợp của Hồng Nhung trong mùa 2. Chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi có nghe nhiều người đề cập về vấn đề này. Đúng là cái gì mất tự nhiên tất nhiên sẽ không hay. Lanh lợi hoặc khôn ngoan quá chưa hẳn là tốt, đôi khi những câu nói không mất lòng ai lại khiến khán giả có cảm giác giả tạo. Nên tôi quan niệm làm sao trong phạm vi mình “biết” là tốt nhất.
Tôi có kinh nghiệm để nắm bắt được những bất ngờ xảy, từ đó có phản ứng uyển chuyển trên sân khấu. Hơn nữa, việc cập nhật thời sự cũng giúp tôi mang đến những câu chuyện mà khán giả đang muốn nghe hoặc tạo chút hiệu ứng vui vẻ. Tôi đang chờ đến ngày phát sóng tập đầu tiên và mong khán giả sẽ thấy được cá tính của Thu Phương trên sân khấu là một huấn luyện viên hoạt ngôn theo những gì đọc được, biết được, nhưng theo một cách rất chân thành.
- Chị e ngại phản ứng các huấn luyện viên còn lại và fan của họ nếu chẳng may xảy ra “đụng chạm”?
- Những mùa trước, các huấn luyện viên từng chia sẻ dù họ có tranh cãi, bàn luận thì đó chỉ là kịch bản. Tôi không đồng ý vì đây là điều không cần thiết. Tôi không dĩ hòa vi quý hay cố gắng làm đẹp lòng tất cả mọi người, mà sống đúng mới là điều quan trọng nhất.
Trong vòng Giấu mặt vừa qua, tôi rất cân đối trong phát ngôn. Với suy nghĩ và khả năng, tôi nghĩ mình cũng không phải làm gì để tổn thương đến những đồng nghiệp. Kể cả khi tranh cãi, giành giật thí sinh, chúng tôi thống nhất hãy cứ chân thành khi đối xử với nhau. Nếu chưa vui, họ cũng sẽ không cảm thấy bị cố tình làm tổn thương. Sau vòng đầu tiên, tôi nghĩ 4 huấn luyện viên đều vô tư và vui vẻ.
Còn về phía khán giả, tôi khá ngạc nhiên vì nhiều fan của 3 huấn luyện viên còn lại có cơ hội theo dõi 2 ngày ghi hình đã tìm đến trang cá nhân để kết bạn. Họ cũng dành nhiều lời khen, tình cảm và thậm chí bày tỏ nguyện vọng muốn làm fan của tôi. Đây là tín hiệu khả quan đầu tiên dành cho tôi với vai trò mới này.
- Chị nghĩ sao về 4 chữ “nhân tố bí ẩn” mà khán giả dành cho mình trong The Voice mùa giải thứ 3?
- Tôi kém lợi thế rất nhiều vì Tuấn Hưng có nhiều bản hit được bạn trẻ yêu thích, Mỹ Tâm đạt được nhiều thành tích trong âm nhạc cũng như có lượng fan đông đảo, còn Đàm Vĩnh Hưng có quá nhiều kinh nghiệm ngồi ghế nóng cũng như có người hâm mộ ủng hộ. Nhưng ở khía cạnh nào đó, khi 3 huấn luyện viên kia quá quen thuộc trong cách hát, nói chuyện, xuất hiện thì với tôi, yếu tố thiệt thòi đó lại là lợi điểm ít nhiều.
Dĩ nhiên, điều này cũng là áp lực khiến tôi phải cố gắng hết sức trong tư duy và sự hiểu biết của mình nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Nếu không làm được như chờ đợi sẽ dẫn đến sự hụt hẫng. Còn những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát, bản thân tôi không thể đo lường được. Dù vậy, nếu không thành công tôi cũng không quá buồn hay bi quan. Tôi vẫn mong khán giả đón nhận sự quay trở lại và những gì tôi làm được tại TheVoice một cách chân thành và cởi mở.
"Trong vòng Giấu mặt vừa qua, tôi rất cân đối trong phát ngôn". |
Tìm hiểu từ Đông Nhi đến Isaac
- Các thí sinh cần có tố chất gì để có thể lọt vào tầm ngắm của chị?
- Khi bấm nút chọn, tôi quan tâm trước tiên đến khả năng chuyên môn. Mỗi thí sinh phải cho tôi thấy phần nào cá tính, tư duy chọn bài hát đúng với những gì tôi muốn. Đây là những yếu tố nhất quyết mà tôi yêu cầu để chọn thí sinh. Tôi rất vui vì đội của mình có khá nhiều gương mặt có khả năng làm được điều đó.
- Chị có thể tiết lộ về 11 học trò được chị thuyết phục để về với team Thu Phương?
- Team của tôi tương đối đầy đủ và đa dạng trong phong cách âm nhạc. Vòng Đối đầu sắp tới sẽ là cơ hội để các em nói lên cái tôi cá nhân cũng như thể hiện khả năng của mình. Trong đó có sự kết hợp tôi rất chờ đợi giữa một bạn hát rock và một bạn nghiêng về ca trù, ả đào. Hai trường phái âm nhạc khác nhau, nhưng bài hát mà các em thể hiện lại cùng một thông điệp, mang đến cùng cảm xúc.
Bên cạnh yếu tố chuyên môn, tôi muốn 11 em trong team yêu thương nhau và xác định rằng mỗi lần xuất hiện trước khán giả phải mang đến những bài hát, màn trình diễn hay nhất chứ không phải cố gắng để đối đầu và loại nhau. Đến giờ này, tôi rất vui vì các em đều hiểu và tiếp thu rất nhanh những gì tôi nói.
- Có nhiều “quân” tốt trong tay đòi hỏi một người “tướng" giỏi để đưa ra những quyết định chính xác, hợp lòng dân. Điều này tạo cho chị những áp lực gì khi chuẩn bị vòng Đối đầu?
- Sau vòng Đối đầu, team chỉ còn lại một nửa thành viên dù các em có khả năng khá đồng đều và nắm bắt nhanh. Do đó, tôi càng phải cân nhắc và suy nghĩ kỹ lưỡng trong cách chọn bài hát và cặp đấu với nhau. Một thí sinh được chọn đi tiếp có thể chỉ nhỉnh hơn người còn lại ở yếu tố bất ngờ nào đó trong vòng 5 phút trên sân khấu. Ranh giới giữa việc đi tiếp hoặc phải dừng cuộc chơi là điều rất mong manh, ngoại trừ trường hợp các em được huấn luyện viên khác cướp. Tôi tin vòng Đối đầu sẽ có diễn biến rất hấp dẫn.
- 10 năm hoạt động chủ yếu tại thị trường hải ngoại cũng như chuyên trị dòng nhạc sang, chị làm cách nào để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khán giả trong nước để có thể giúp các thí sinh team mình?
- Nhận lời làm huấn luyện viên, tôi bắt đầu dành thời gian để nghe và tìm hiểu, thậm chí đọc hết tất cả tin tức, những bài phỏng vấn của thế hệ đi trước cho đến những em mới nổi như Sơn Tùng M-TP, Tóc Tiên, Đông Nhi hay Isaac. Các chương trình chuyên môn như Sao Mai điểm hẹn, Vietnam Idol cho đến The Remix tôi cũng đều theo dõi để biết xu hướng cũng như thị hiếu khán giả đang cần gì, từ đó có thể cân bằng yếu tố hàn lâm và giải trí cho team.
Tôi không thuộc thế hệ có điều kiện để học nhạc, tự sáng tác, trình diễn như các em sau này mà chỉ có khả năng về chuyên môn, cảm xúc. Đó là những trải nghiệm sẽ truyền lại cho team. Còn những gì chưa có, tôi vẫn phải học. Tôi hy vọng thời gian dài sắp tới, tự bản thân cũng sẽ trao dồi và hoàn thiện hơn.
"Tự bản thân tôi cũng sẽ trao dồi và hoàn thiện hơn". |
- Chị nói gì trước suy nghĩ của khán giả rằng team Thu Phương sẽ chỉ hát nhạc học thuật?
- Tôi sẽ cố gắng bổ trợ thêm chiều sâu, kinh nghiệm trình diễn, phần còn lại vẫn muốn các em tự do phát huy những gì đang theo đuổi. Mục tiêu của team Thu Phương là tập trung vào thẩm mỹ âm nhạc và chọn được bài hát hay, có thông điệp rõ ràng.
Tuổi trẻ cần có thái độ tích cực, nhìn thấy những điều tốt đẹp nên tôi mong các em đừng quá sướt mướt, ủy mị vào âm nhạc thị trường, nhưng cũng không phải hát những sáng tác quá sức vì các em còn rất trẻ.
- Dù vậy, chị vẫn chọn Hồng Nhung - ca sĩ thuộc thế hệ đi trước làm cố vấn cho team?
Tôi nhờ chị Hồng Nhung cố vấn cho team trong vòng Đối đầu vì đây là vòng rất quan trọng. Sau vòng này, tôi phải giữ lại một nửa thí sinh cùng 2 em được cướp về từ team khác để bước vào vòng live show. Lúc đó, tôi sẽ không còn nhiều cơ hội để truyền thêm các chia sẻ chuyên môn nữa. Do đó, ngay từ lúc team còn 11 em, tôi muốn các em có sự bổ trợ tốt nhất về kỹ thuật thanh nhạc. Chị Hồng Nhung là người có kinh nghiệm cố vấn trong mùa 1 và làm huấn luyện viên trong mùa 2 nên sẽ giúp thí sinh của tôi biết ổn định và đủ khả năng để làm tất cả những gì mình muốn.
Khi vào vòng live show, tôi chắc chắn sẽ lựa chọn ê-kíp trẻ trung hơn để các bạn định hình được có phong cách, trang phục, vũ đạo… Còn vòng Đối đầu, tôi muốn tập trung vào chuyên môn.
- Với con mắt của người nhiều năm trong nghề, chị nghĩ team Thu Phương có khả năng đi xa đến đâu trong mùa giải năm nay?
- Tôi không muốn phải suy đoán quá sớm. Hiện tại, tôi nhìn thấy được tiềm năng của từng em. Nhưng điều bất ngờ vẫn có thể xảy ra tùy thuộc vào khả năng tiếp thu trong mỗi buổi tập. Nhưng tôi tin phần lớn các học trò của mình đều có khả năng đi tương đối xa.
Dù vậy, trong các cuộc thi đôi khi người chiến thắng chưa chắc đã là người hay nhất, còn người tốt nhất lại chưa hẳn có kết quả như mong muốn. Do đó, việc các em có thêm khán giả yêu mến sau từng vòng thi mới là điều mà tôi hướng đến. Nếu đạt được mục đích dựa trên sự hỗ trợ, hào quang của người khác thì bản thân các em rất khó để đi đường dài. Phải tự trải và trả giá, mới có thể biết được khả năng thật sự của mình ở đâu.
Tôi mong các em đi trên chính đôi chân của mình, có lượng vote bằng chính khả năng chứ đừng trông mong vào huấn luyện viên vì tôi không có lượng fan khổng lồ để giúp các em trong việc bình chọn.
Thầy trò của nhau 1 ngày vẫn luôn dành cho nhau sự tôn trọng
- Bên cạnh các bài học chuyên môn, chị sẽ dạy các học trò cả về những bài học đạo đức làm nghề?
- Gặp gỡ các em sau vòng Giấu mặt, câu chuyện đầu tiên tôi chia sẻ chính là mong muốn các em có cái nhìn đúng đắn về đời sống cũng như vai trò của một người nghệ sĩ. Muốn làm ca sĩ chỉ cần biết hát là đủ nhưng để làm một người nghệ sĩ, các em cần rất nhiều yếu tố khác để có thể định hướng công chúng, thể hiện thẩm mỹ trong âm nhạc, chuyển tải thông điệp và sống thật chuẩn mực.
Hãy sống là một người tử tế, một nghệ sĩ chân chính, là thành viên của team thì hãy xem nhau như một gia đình. Điều làm tôi khá hứng thú là em lớn tuổi nhất trong team Thu Phương chỉ bằng con trai lớn. Nên ngoài chuyên môn, những vấn đề tâm lý, tâm sự nhỏ to các em đều có thể chia sẻ.
- Khi vào sâu, trước những trước những ưu ái của truyền thông và mời gọi chạy show, hai chữ “gia đình” có còn được giữ vững?
- Điều này từng xảy ra trong một vài cuộc thi khác nên việc cần làm là phải xác định ngay tư tưởng và quan điểm ngay từ đầu. Tôi mong các em hãy nhớ rằng dù chỉ là thầy trò của nhau 1 ngày, hãy luôn dành cho nhau sự tôn trọng. Bước ra khỏi cuộc thi, mối quan hệ của chúng ta cũng chưa phải chấm hết. Có thể tôi không ở Việt Nam, nhưng vẫn muốn duy trì tình cảm cũng như giúp các em cảm nhận được sự quan tâm dõi theo của mình
Tất nhiên các em dành cho mình sự tôn trọng, trước tiên hãy tôn trọng các em trước đã. Khi làm đúng và làm tốt thì không có lý do gì các em lại có những suy nghĩ hay phát ngôn làm đau lòng mình, trừ khi mình cho phép điều này có cơ hội xảy ra.
Dũng Taylor - quản lý đồng thời là ông xã của Thu Phương đồng hành cùng cô trong quá trình tham gia The Voice. |
- Chị sắp xếp công việc tại Mỹ như thế nào trong quá trình tham gia The Voice?
- Hiện tại công việc của tôi tại Mỹ khá bận rộn và còn bổn phận chăm lo cho gia đình. Khi về Việt Nam chuẩn bị The Voice, tôi may mắn vì con trai lớn có thể thay tôi chăm sóc các em, bên cạnh đó ông bà ngoại cũng có thể dành sự quan tâm cho 2 bé nhỏ nhất. Dù vậy, tôi cũng không an tâm một chút nào mà phải luôn dành một khoảng trong tâm trí dành cho các con.
Lúc nào tôi cũng trong tình trạng quá tải trong suy nghĩ, đôi khi kiệt sức. Nhưng đây là trải nghiệm không phải ai cũng có được. Đôi khi tôi tự cảm nhận mình quá kiên cường khi đối đầu với lượng khối lượng công việc quá lớn như vậy.
- Một vài thông tin cho biết việc chị nhận lời tham gia làm huấn luyện viên là để chọn nhân tài cho một trung tâm ca nhạc hải ngoại?
- Thời gian qua, kiều bào luôn sẵn sàng đón nhận và mong muốn được thưởng thức tài năng mới mà họ chưa có dịp được xem trực tiếp. Nếu trong team tôi có những em tạo hiệu ứng tốt hoặc khẳng định được tên tuổi sau khi bước ra khỏi cuộc thi thì không chỉ riêng công ty của anh Dũng mà rất nhiều trung tâm tại hải ngoại có nhu cầu mời.
Tôi có lợi thế hơn vì các em là thành viên trong team, việc hợp tác, mang các em đi giới thiệu ở những thị trường khác cũng là điều mà tôi mong muốn.