Thu nhập tốt, nhà giáo không phải “chân trong, chân ngoài”

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Đại biểu Thơ chia sẻ: Trong quá trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, các huyện địa phương đã tạo điều kiện cho Đoàn thực hiện các chuyên đề về giáo dục. Và một trong những nội dung thầy cô có ý kiến rất nhiều là chính sách tiền lương đối với nhà giáo.

Nhắc quy định nhà giáo được ưu tiên, sắp xếp thang bậc lương và phụ cấp phù hợp với nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ băn khoăn, không rõ “ưu tiên” ở đây là ưu tiên gì. Hiện nhà giáo vẫn hưởng theo ngạch bậc lương và hệ thống thang bảng lương, không hề có sự ưu tiên như quân đội, công an.

“Nếu như có sự ưu tiên, hoặc chính sách khuyến khích, rõ ràng nhà giáo không phải chạy ra ngoài làm việc, hoặc chân trong chân ngoài. Từ đó phát huy hiệu quả trong giáo dục hơn và thu hút được nhiều nhân tài hơn” – đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nói.

Ngoài chính sách nhà giáo, đại biểu Quỳnh Thơ cũng trao đổi về Điều 94 trong dự thảo Luật quy định bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Theo tính toán của đại biểu, những năm qua không năm nào đạt được mức gần ngưỡng như đề ra ở trên. Ví dụ, dự toán năm 2019, ngân sách chi cho giáo dục đào tạo, dạy nghề đạt gần 15%. “Mà năm nay gần 15% đã cao” – đại biểu Quỳnh Thơ cho hay, từ đó đặt câu hỏi: Quy định này có thực thi được hay không vì trong thực tế những năm qua chưa năm nào đạt được.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ 

Cũng góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho biết: Nhà nước đã có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho cho nhà trường, công dân Việt Nam… được trao đổi học thuật với các tổ chức, trường học, viện nghiên cứu ở nước ngoài.

Như đã triển khai các Đề án 322 năm 2000 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước; đề án 911 năm 2000 để đào tạo 23 nghìn tiến sĩ; hoặc Quyết định số 599 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2020.

Tuy nhiên, thực tế có cán bộ đi học bằng nguồn ngân sách nhà nước đầu tư nhưng sau khi học xong lại bỏ cơ quan nhà nước ra ngoài làm việc, có người lợi dụng chính sách của nhà nước ra làm việc ở nước ngoài và không hoàn thành các chương trình học tập.

Vì vậy, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị trong dự thảo Luật, ngoài các điều quy định về chính sách ưu đãi, khuyến khích hợp tác giáo dục với nước ngoài, cần bổ sung thêm trách nhiệm bồi hoàn của những cán bộ, cá nhân được thụ hưởng ngân sách nhà nước ra nước ngoài học tập, nghiên cứu khoa học mà không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; tránh tình trạng chảy máu chất xám và đầu tư kém hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ