Thử nghiệm trên người chết khơi nguồn cảm hứng nhân vật Frankenstein

Thế kỷ 19, con người đã thực hiện thí nghiệm chích điện thi thể người chết với hy vọng hồi phục sự sống, là cảm hứng cho tác giả Frankenstein.

Thử nghiệm trên người chết khơi nguồn cảm hứng nhân vật Frankenstein

Ngày 17/1/1803, George Forster bị treo cổ vì tội giết người ở nhà tù Newgate, London (Anh). Sau phán quyết, như thường lệ, thi thể kẻ sát nhân được chở đến Trường Phẫu thuật Hoàng Gia để mổ. Trên thực tế, tại đây thi thể Forster bị giật điện.

Theo The Conversation, nhà triết học tự nhiên Giovanni Aldini đã thực hiện thí nghiệm chích điện trên thị thể Forster. Aldini là cháu trai của Luigi Galvani, người phát hiện ra dòng điện sinh vật vào năm 1780. 

Đặt thi thể Forster lên chiếc bàn trước mặt, Aldini cùng cộng sự tiến hành công việc. Tờ Times khi ấy tường thuật: "Ở vùng mặt, cằm của kẻ tử tù đã chết bắt đầu run rẩy, các cơ liền kề bị méo mó khủng khiếp và một mắt mở ra. Tiếp đến, bàn tay phải bỗng đưa lên và nắm chặt, bắp chân và đùi cũng chuyển động. Đối với người xem, người đàn ông ấy như thể đã sống lại". 

Mô tả thí nghiệm của Aldini. Ảnh: Wellcome Collection, CC BY-SA.

Mô tả thí nghiệm của Aldini.

Thời điểm Aldini thí nghiệm trên Forster, ý tưởng về mối liên hệ giữa dòng điện và sự sống đã xuất hiện ít nhất một thế kỷ. Nhà vật lý Isaac Newton có suy nghĩ này từ đầu những năm 1700. Năm 1730, nhà thiên văn Stephen Gray chứng minh nguyên lý dẫn điện. Năm 1746, Jean Antoine Nollet khiến 180 lính gác ở Versailles nhảy lên cùng lúc sau khi kích thích dòng điện đi qua cơ thể họ.

Thí nghiệm của Aldini trên người chết nhanh chóng thu hút sự chú ý. Một số người cho rằng việc dòng điện đem tới sự sống thật điên rồ nhưng cũng có người tin tưởng. Charles Wilkinson, người hỗ trợ Aldini, lập luận rằng dòng điện một chiều là sợi dây nằm giữa vật chất và linh hồn. 

Năm 1814, nhà phẫu thuật John Abernethy đưa ra nhận định tương tự Wilkinson trong hội thảo thường niên tại Trường Phẫu thuật Hoàng gia, dẫn đến cuộc tranh luận gay gắt với người đồng nghiệp William Lawrence. Abernethy cam đoan dòng điện là nguồn sinh lực còn Lawrence phản đối, cho rằng không cần viện đến nguồn sinh lực nào để giải thích các quá trình của cuộc sống.

Là bệnh nhân của Lawrence, Mary Wollstonecraft Shelley, về sau là tác giả cuốn tiểu thuyết Frankenstein biết tới cuộc tranh luận trên. Bà cực kỳ ấn tượng với ý tưởng dòng điện đem tới sự sống và xây dựng nên con quái vật huyền thoại được làm từ các bộ phận người chết. Tuy không đề cập trong tác phẩm, người ta tin rằng thí nghiệm ngày trước của Aldini đã tạo cảm hứng cho Shelley. 

Tạo hình con quái vật của Frankenstein trên phim. Ảnh: Country Life.

Tạo hình Frankenstein trên phim.

Vài tháng sau khi tiểu thuyết Frankenstein được xuất bản, nhà hóa học Scotland Andre Ure đã thực hiện thí nghiệm điện trên thi thể Matthew Clydesdale, một tù nhân bị hành quyết vì tội giết người. Ure kể rằng lúc thi thể được chích điện, "mọi cơ của anh ta bắt đầu hoạt động một cách đáng sợ; các cảm xúc từ giận dữ, kinh dị, tuyệt vọng, khổ đau đến nụ cười ghê rợn đều hiện lên khuôn mặt kẻ giết người". Nhà hóa học còn tiết lộ thí nghiệm khủng khiếp đến mức "nhiều khán giả phải rời đi, một quý ông còn ngất xỉu". 

Đối với độc giả thời nay, nhân vật Frankenstein có thể trông thú vị, song đối với tác giả và công chúng thời đó thì hoàn toàn không như vậy. Con người ngày nay biết về trí thông minh nhân tạo, độc giả của Shelley ngày ấy cũng rất quen thuộc với ý tưởng điện đem lại sự sống, do đó gợi nên hàng loạt câu hỏi cũng như nỗi lo sợ. Không chỉ cho thấy cuộc tranh luận về sự sống, cái chết có lịch sử vô cùng lâu dài, thí nghiệm y học đằng sau tiểu thuyết Frankenstein còn khiến con người xem xét cẩn thận hơn về những khả năng và cả hiểm họa phía trước.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…