Môn Văn: Hiểu mạch cảm xúc
Với môn này, yếu tố đầu tiên, theo Vinh là sự chuyên cần và chăm chỉ. Khi học tập trên lớp, cố gắng lắng nghe lời thầy cô giảng, từ đó, cũng đã tiếp thu được ít nhất 60% kiến thức.
Học phải hiểu bản chất, hiểu mạch cảm xúc của bài thơ bài văn, khi ghi chỉ cần ghi nhớ những từ cốt lõi nhất, và tránh tình trạng ghi nhiều mà không hiểu.
Tối về, nên có một khoảng thời gian nhất định cho môn học này, đọc lại bài và có thể tìm thêm tài liệu để áp dụng khi làm bài tập.
Mặt khác, cần đặc biệt chú ý những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống để có thể áp dụng khi làm bài nghị luận xã hội.
Khi ôn thi cần học kiến thức cơ bản trước, nắm thật chắc kiến thức cơ bản, phân tích được cả bài thơ, bài văn để có thể dễ dàng áp dụng vào các dạng đề.
Phải nắm chắc kĩ năng làm từng dạng đề, đây là phần quan trọng nhất khi phân tích, nghị luận. Tránh tình trạng học tủ, ngoài ra nên học hoặc đọc thêm những kiến thức ngoài lề để có thêm vốn kiến thức khi làm bài.
Khi làm bài, điều đầu tiên là phải đọc kĩ đề, gạch chân những từ khóa, những từ cốt lõi của câu để tránh tình trạng lạc đề.
Phải phân bố thời gian một cách hợp lý, vận dụng tối đa kiến thức mình có và tránh xa đà quá khiến bài văn trở nên bị nhàm.
Khi trình bày, chú ý gọn gàng, sạch đẹp, chữ viết phải dễ nhìn, đặc biệt nên đặt các luận điểm lên trên các đoạn văn khi làm
Môn Sử: Luôn luôn vận động tư duy
Muốn học tốt môn Sử, điều đầu tiên phải có sự đam mê và thích thú, vì đây là môn học đòi hỏi tư duy, khả năng ghi nhớ khá cao. Ngoài ra, phải ham học học hỏi, đọc nhiều tài liệu.
Vì đặc thù của môn đòi hỏi tính chính xác cao vì vậy tránh tình trạng học vẹt, học không hiểu bản chất vấn đề vì sẽ rất khó nhớ. Phải chú ý nghe giảng, vì khi nghe giảng đã tiếp thu được một phần lớn kiến thức. Thời gian hoc ở nhà, cố gắng vận dụng tối đa kiến thức để làm nhiều bài tập.
Khi ôn thi, lưu ý nắm thật chắc kiến thức cơ bản, tránh bị nhầm lẫn sự kiện. Ôn theo từng mảng, từng chuyên đề, không nên ôm đồm sẽ gây cảm giác chán nản.
Các dạng đề, phải ôn kiến thức cơ bản trước rồi mới đến nâng cao. Có thể nhớ sự kiện bằng cách gắn với sinh nhật của người thân, bạn bè hoặc ngày lễ quan trọng. Phải luôn luôn vận động tư duy khi học môn học này.
Khi thi, điều đầu tiên là đọc kĩ đề, gạch chân những từ ngữ quan trọng, trọng tâm, làm ra nháp trước rồi mới viết vào bài; trình bày gọn gàng, tách ý rõ ràng, phải có mở thân kết.
Không nên gạch đầu dòng, viết những ý trọng tâm trước, viết ngắn gọn dễ hiểu và trúng ý, tránh tinh trạng viết lan man, không có ý.
Huy động toàn bộ kiến thức có thể nhưng phải biết chắt lọc những kiến thức đó. Phân bố thời gian hợp lý, phải làm hết tất cả các câu, không được bỏ câu nào và phải làm lần lượt các câu.
Môn Địa lý: Đòi hỏi tư duy thực tế
Đây là môn dễ lấy điểm nhất trong ba môn nhưng lại là môn đòi hỏi tư duy và tính thực tế cao nhất. Khi học phải hiểu chứ không nên học vẹt môn này, vận dụng vào thực tế, gạch ý ra nháp để phân tích kĩ.
Yếu tố chăm chỉ cũng quan trọng, đặc biệt phải chú ý tới những bản tin thời sự, những bản tin thời tiết để có thể hiểu rõ hơn và cập nhật được những thông tin cần thiết.
Đọc thêm nhiều tài liệu nhưng phải nắm vững cái cốt lõi là chính. Nghe giảng là yếu tố đặc biệt quan trọng khi học môn này, nhưng phải hiểu và nắm vững kiến thức cơ bản.
Khi học về biểu đồ cần chú ý tới các dạng biểu đồ, tới những từ ngữ nhận dang biểu đồ và phải có óc suy luận tốt.
Khi ôn thi nhớ học kiến thức cơ bản là chính, rồi ôn theo dạng đề. Làm nhiều bài tập để hình thành kĩ năng cho tốt.
Trong phòng thi, phải đọc kĩ đề, phân tích đề, gạch chân các từ quan trọng. Trình bày gọn gàng, gạch ý rõ ràng, tránh bị lặp ý.
Không nên viết lan man, dài dòng. Khi làm bài biểu đồ phải chọn biểu đồ cho chuẩn xác vì đây là bài dễ ăn điểm nhất, nhận xét ngắn gọn, súc tích không dài dòng mà vẫn đủ ý.