Thủ khoa đại học rèn giũa từ trường làng

GD&TĐ - Điểm thi tuyển đầu vào không cao, nhưng bằng nỗ lực của các thầy cô giáo, HS các trường ngoại thành Hà Nội vẫn đạt thành tích xuất sắc tại các Kỳ thi HS giỏi, Kỳ thi THPT quốc gia và trúng tuyển thành thủ khoa các trường đại học.

Lớp 12A1 Trường THPT Hồng Thái, huyện Đan Phượng.
Lớp 12A1 Trường THPT Hồng Thái, huyện Đan Phượng.

HS trường làng giỏi tiếng Anh

Với tổng điểm 28,4: Toán: 9,4; Ngữ văn: 9 và Tiếng Anh: 10, Nguyễn Trà My - HS Trường THPT Hồng Thái (huyện Đan Phượng, Hà Nội) là HS có tổng điểm xét tuyển khối D01 cao nhất cả nước trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Trước đó, Trà My từng giành nhiều giải thưởng cấp trường, cấp thành phố các môn Toán và Tiếng Anh.

Toán, Văn, Tiếng Anh là 3 môn học Trà My yêu thích nên em đã dành nhiều thời gian đầu tư học tập. Trường học ở vùng nông thôn không có điều kiện học tập như thành phố, nhất là môn Tiếng Anh nên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của HS nơi dây. Bởi vậy, số điểm tuyệt đối của Trà My khiến nhiều người thán phục.

Trà My cho rằng có được kết quả này không chỉ nhờ nỗ lực của bản thân mà còn nhờ sự chỉ bảo, hỗ trợ và truyền động lực của tập thể các thầy cô giáo, nhà trường cùng sự giúp đỡ, động viên rất lớn từ bố mẹ và bạn bè.

Nói về học trò của mình, thầy Phạm Huy Thiệp - Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Thái tự hào: Khi nhận được thông tin em Trà My trở thành thủ khoa khối D01, tôi cũng như các giáo viên trong trường rất vui mừng. My không chỉ là một HS hiền lành chăm chỉ, mà còn là con ngoan. Sống trong gia đình thuần nông, nên ngoài việc học, em còn giúp đỡ bố mẹ rất nhiều.

Theo thầy Thiệp, Trường THPT Hồng Thái ở ngoại thành, cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn nhiều. Nhưng với mong muốn các HS được thành tài, thầy cô trong trường vẫn luôn cố gắng tạo động lực cho HS, thương yêu và coi HS là tài sản lớn nhất.

Là trường xa trung tâm, điểm đầu vào của Trường THPT Hồng Thái luôn thấp hơn các trường khác trong thành phố, thậm chí thấp hơn nhiều so với các trường trong huyện.

Năm 2019, Trường THPT Hồng Thái công bố điểm chuẩn vào lớp 10 là 38,5 - thấp hơn Trường THPT Đan Phượng cùng huyện tới 6 điểm, thấp hơn trường có điểm chuẩn cao nhất thành phố tới 17 điểm.

Song, ngôi trường này cũng chính là nơi đào tạo thủ khoa khối D01 trong Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Ngôi trường mới chỉ 23 năm tuổi từ lâu đã được gọi với cái tên “lò đào tạo thủ khoa”.

Năm 2004, một HS của trường đạt số điểm tuyệt đối 30/30 và giành thủ khoa Học viện Quân Y. Tiếp những năm sau đó, trường có nhiều HS là thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội...

Thầy Thiệp cho biết: Để có được những HS xuất sắc, quan trọng nhất là vai trò truyền cảm hứng và định hướng cho HS của các thầy cô giáo.

Tại Trường THPT Hồng Thái, các thầy cô luôn tận tâm với học trò, đồng thời nỗ lực không ngừng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhờ đó, dù chỉ là vùng trũng của giáo dục Thủ đô, nhưng thầy trò nhà trường đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào.

Trường làng luôn có thủ khoa

Nguyễn Trà My - Thủ khoa khối D01 của cả nước.
Nguyễn Trà My - Thủ khoa khối D01 của cả nước.

Tại Kỳ thi THPT quốc gia 2019, Trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) tiếp tục đóng góp một thủ khoa là em Nguyễn Hữu Hải, HS lớp 12A1 với số điểm 28,75, thành tích cao nhất của HS Hà Nội.

Ngoài Hải, nhiều HS khác cũng có điểm xét tuyển nằm trong top đầu của thành phố như Đoàn Thanh Hiền, Vũ Tiến Đại, Nguyễn Minh Châu... Từ nhiều năm nay, việc xuất hiện thủ khoa đã trở thành một điều bình thường ở ngôi trường của một huyện nghèo cách trung tâm thành phố 50km.

Thầy Lê Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong 6 năm liền trường liên tục có thủ khoa đỗ đại học. Số lượng các em đạt điểm 15 trở lên luôn đạt trên 80%, từ 24 điểm đạt 10%, có những lớp HS đỗ đại học đạt 100%.

Bên cạnh đó, HS nhà trường còn đạt nhiều giải cấp thành phố, cấp quốc gia, nhiều em được tuyển thẳng vào đại học.

“Là một trường THPT không chuyên nằm ở vùng nông thôn, các em HS đa số bố mẹ là nông dân, thu nhập thấp hơn nhiều so với mặt bằng của thành phố.

Ngoài việc học các em về nhà phải phụ giúp việc thêm cho gia đình, có nhưng em đi học mà tay chân vẫn còn dính đầy bùn đất... Tuy vậy, các em đã có những cố gắng nỗ lực tuyệt vời để đạt được những thành tích xuất sắc trong học tập”, thầy Dũng tự hào nói.

Tiêu biểu là em Nguyễn Phương Liên, năm 2017 đạt điểm tuyệt đối 30/30, là thủ khoa của cả nước. Ngoài ra, vào năm 2012, cậu học trò nghèo của trường là Lê Đức Duẩn đạt danh hiệu Thủ khoa Đại học Dược Hà Nội. Năm 2014, 2 anh em song sinh Nguyễn Phương Nam là Thủ khoa Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN).

Có được những thành tích kể trên, theo thầy Dũng là do Hội đồng giáo dục nhà trường luôn đoàn kết và thống nhất. Đoàn kết là điều kiện cần để có được thành công. Hầu hết các thầy cô của nhà trường đều nhiệt tình giảng dạy, tận tâm với HS và say sưa nâng cao chuyên môn.

“Quan trọng nhất để có được thành công là chúng tôi thực hiện công tác thi đua mang tính chất công khai, công bằng, minh bạch. Tại Trường THPT Đồng Quan, từ lâu, các giáo viên đều đã quen việc cạnh tranh năng lực với nhau.

Hàng năm, thầy cô giáo nào qua khảo sát không nhận được tín nhiệm của học trò sẽ không được tiếp tục đứng lớp đó. Do đó, từng giáo viên của trường luôn cố gắng để tự nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm của mình”.

Phong trào thi đua trong nhà trường luôn được phát huy. Đó là việc thi đua giữa các thầy cô trong nhà trường dạy tốt và công tác tốt, thi đua giữa các thầy cô trong các tổ nhóm chuyên môn và thi đua giữa các lớp HS với nhau, trong mỗi lớp các em thi đua riêng với nhau. Việc phấn đấu của các em trong lớp cũng rất hăng hái.

Thêm vào đó, thấu hiểu gia cảnh còn khó khăn của HS, nhiều năm qua, trường đã tổ chức dạy phụ đạo vào buổi chiều với mức phí rất thấp, chỉ khoảng 10.000 đồng/tiết học. HS yếu kém được học bồi dưỡng không mất tiền. Thầy cô tận tâm, tận lực dạy thêm là vì HS chứ mục đích chính không nhằm tăng thêm thu nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…