Việt Nam đang tạo ra nhiều cơ hội và là địa chỉ đầu tư tốt cho các nhà đầu tư thế giới...(Ảnh, internet) |
Về triển vọng, theo các chuyên gia phân tích tài chính, bối cảnh kinh tế thế giới và hiệu quả đầu tư trong nước đang có ảnh hưởng rõ rệt đến dòng chảy FDI vào Việt Nam trong năm 2010 và các năm tiếp theo. Dự báo: thu hút FDI năm 2010 sẽ cao hơn mức tăng 10% so với năm 2009 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra.
Kinh tế thế giới: đang phục hồi nhưng phải đối mặt với nợ công.
Mỹ, Nhật và hầu hết các nước phát triển đều là những Nhà nước - con nợ khổng lồ. (Ảnh minh hoạ, internet) |
Cùng với sự tăng trưởng liên tiếp 3 quý (kể từ quý 3, 4/2009 và quý 1/2010 đến nay) sau 4 kỳ liên tục suy giảm trước đó của kinh tế Mỹ, năm 2010 nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhanh hơn theo hình chữ V như dự báo của ADB và có thể đạt mức tăng trưởng chung 3,9% trong năm 2010 (sau khi suy giảm 0,8% trong năm 2009) như IMF dự báo.
Trong khi đó, nhiều quốc gia sẽ gặp khó khăn trong nỗ lực trả nợ. Mỹ, Nhật và hầu hết các nước phát triển đều là những Nhà nước - con nợ khổng lồ với chỉ số tín nhiệm không ổn định, thậm chí có nguy cơ tụt hạng.
Theo Tạp chí BusinessWeek 1/2010, năm 2009 tỷ lệ nợ công/ GDP của Nhật Bản 227%, Mỹ 93,6%, Bồ Đào Nha 84,6%, Đức 84,5% và Pháp 82,6%. Hiện tại, Tây Ban Nha có khoản nợ công chiếm 54% GDP…
Cộng đồng quốc tế đang và có thể phải tung ra khoản cứu trợ ngày càng lớn hơn để giúp các nước - con nợ (có thể tới 90-150 tỷ euro cho Hy Lạp, 40 tỷ euro cho Bồ Đào Nha và 350 tỷ euro cho Tây Ban Nha).
Dòng chảy FDI quốc tế sẽ đổ vào đâu
Theo đánh giá của Tạp chí The Economist (Anh), cũng như Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (Unctad), sau đỉnh điểm đạt tới 2.080 tỷ USD của năm 2007, dòng FDI thế giới đã giảm 17% trong năm 2008 (còn 1.720 tỷ USD), và tiếp tục giảm 41% (còn 1.000 tỷ USD) trong năm 2009.
Năm 2010, dòng FDI thế giới cũng có xu hướng phục hồi, nhưng có sự chuyển dịch mới về cơ cấu, tăng cường đổ vào các quốc gia mới nổi và củng cố hơn vai trò động lực chủ đạo thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi của các nước này.
Nhưng sự đảo chiều của dòng FDI thế giới đã được ghi nhận trong năm 2010, với dự báo dòng vốn này sẽ tăng trưởng chậm theo sự phục hồi kinh tế toàn cầu, với mức bình quân 2,5% GDP toàn cầu trong giai đoạn 2010 – 2014. Thậm chí, đến năm 2014, dòng FDI toàn cầu sẽ vẫn thấp hơn so với mức đỉnh điểm của năm 2007.
Có sụt giảm nghiêm trọng về khối lượng nhưng dòng FDI thế giới đang đảo chiều, chuyển dịch về cơ cấu, tăng cường đổ vào các quốc gia mới nổi....(Ảnh minh hoạ) |
Năm 2008, trong khi dòng FDI vào các nước phát triển giảm 1/3, thì FDI vào các nước đang nổi lại tăng 11%. Năm 2009, lần đầu tiên các nước mới nổi thu hút FDI nhiều hơn các nước phát triển, với các con số tương ứng là khoảng 532 tỷ USD, so với khoảng 488 tỷ USD. Dù vậy, FDI vào các thị trường đang nổi dự báo giảm từ mức 4% GDP xuống còn 3% GDP của các nước này trong giai đoạn 2010 - 2014.
Ngân hàng Deutsche Bank của Đức ngày 17/3/2010 công bố Báo cáo điều tra hàng năm về các hoạt động đầu tư vốn cho biết, châu Á (trừ Nhật Bản) sẽ là khu vực có biểu hiện xuất sắc nhất trong năm 2010, còn Trung Quốc sẽ là quốc gia biểu hiện tốt nhất trong khu vực này.
Nguồn vốn FDI vào Việt Nam có nhiều triển vọng sáng sủa
Nhiều tổ chức tài chính, chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận định năm 2010 nguồn vốn FDI vào Việt Nam có nhiều triển vọng sáng sủa gắn với sự gia tăng lòng tin và cơ hội kinh doanh mới của các dự án FDI.
Đứng ở vị trí thứ 12 trong xếp hạng chung Chỉ số niềm tin FDI, Việt Nam được báo cáo của A.T. Kearney xếp ở vị trí thứ 93 về mức độ thông thoáng của môi trường kinh doanh (Ease of Doing Business Ranking).
Trong số các nước Đông Nam Á lọt vào Top 25 của xếp hạng Chỉ số niềm tin FDI 2010, Việt Nam đứng trên Indonesia (vị trí 21), Malaysia (vị trí 20), và Singapore (vị trí 24).
Mới đây, Tập đoàn tài chính đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) đã xếp Việt Nam nằm trong nhóm 11 nước (N -11) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2010, mở ra những cơ hội cho các nhà đầu tư và là địa chỉ đầu tư tốt cho các nhà đầu tư thế giới trong các năm tiếp theo…
Bối cảnh kinh tế thế giới và hiệu quả đầu tư trong nước đang có ảnh hưởng rõ rệt đến dòng chảy FDI vào Việt Nam trong năm 2010 và các năm tiếp theo... (Ảnh minh hoạ,internet) |
Cơ quan Thương mại và đầu tư của Anh dựa trên khảo sát hơn 500 quan chức cao cấp của các công ty từ gần 20 ngành kinh doanh khác nhau, cũng khẳng định, nếu không tính tới nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), thì Việt Nam hấp dẫn nhất trong hai năm liên tục trong số 15 nước đang trỗi dậy, được xếp theo thứ tự gồm có Việt Nam, Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Mexico, Nam Phi, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Saudi Arabia, Ukraine và Ba Lan.
Trên thực tế, FDI vào Việt Nam năm 2010 đang có những động thái tích cực mới, với sự cải thiện khá rõ về quy mô vốn đăng ký/ dự án, cơ cấu vốn đăng ký và mức giải ngân thực tế...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn FDI đạt khoảng 900 triệu USD trong tháng 4, nâng tổng số vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm 2010 lên 3,4 tỷ USD, tăng tới 36% so với cùng kỳ năm 2009. Trung bình, giải ngân vốn FDI đạt khoảng 850 triệu USD/tháng. Đây là mức khá cao và tương đương giải ngân vốn FDI giai đoạn trước suy thoái kinh tế.
Về triển vọng, có nhiều cơ sở thực tế thế giới và trong nước để tin rằng thu hút FDI năm 2010 sẽ cao hơn mức tăng 10% so với năm 2009 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra.
Nhưng cả trước mắt và trung hạn, Việt Nam vẫn cần chủ động có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả thích ứng nhằm khắc phục những tồn tại và hệ luỵ như sự mất cân đối trong đầu tư ở các ngành nghề, vùng lãnh thổ; tình trạng ô nhiễm môi trường, phá vỡ quy hoạch ngành, đe dọa an ninh năng lượng, gia tăng đầu cơ trên thị trường bất động sản và sự bất ổn trên thị trường vốn; việc chuyển giao và sử dụng công nghệ lạc hậu; lạm dụng những ưu đãi về thuế, đất đai.
Đặc biệt, Việt Nam cần khác phục căn bản những nút thắt gây nghẽn mạch và lệch hướng dòng vốn FDI thu hút, nổi bật là tình trạng thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu; hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực yếu kém, chi phí đầu vào cao; công tác xúc tiến đầu tư thiếu tính chuyên nghiệp.
Giang Đông