Thu hút người tài

GD&TĐ - Có chính sách miễn, giảm, hỗ trợ tài chính, học bổng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh là những chuyển động tích cực trong đào tạo sau đại học những năm gần đây. 

Cần những chính sách rõ ràng và sự hỗ trợ hợp lý trong công tác thu hút nhân tài
Cần những chính sách rõ ràng và sự hỗ trợ hợp lý trong công tác thu hút nhân tài

Trường ĐH Kinh tế TPHCM vừa có kế hoạch triển khai chương trình đào tạo tiến sĩ quốc tế miễn học phí hoàn toàn cho người học trong năm nay. Chương trình này được Trường phối hợp với Viện Quốc tế Khoa học xã hội (ĐH Erasmus Rotterdam, Hà Lan) thực hiện, kéo dài 4 năm, trong đó phần lớn thời gian học tập và nghiên cứu sẽ diễn ra tại Việt Nam. 

Nghiên cứu sinh sẽ có ít nhất 6 tháng làm nghiên cứu và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Hà Lan. Hiệu trưởng 2 trường ĐH sẽ cùng cấp bằng tiến sĩ cho luận án bảo vệ thành công.

Ngoài được miễn hoàn toàn học phí, tham gia chương trình này, nghiên cứu sinh còn có cơ hội được tài trợ học bổng theo cam kết công bố quốc tế. Điều kiện để được miễn học phí là người học phải đáp ứng đồng thời 3 điều kiện sau: Cam kết làm việc toàn thời gian; đạt chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.0 trở lên và cam kết công bố ít nhất 2 bài báo khoa học quốc tế có xếp hạng từ Scopus trở lên. Trước đó, với chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước, Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng miễn học phí, bố trí chỗ ở và hưởng các quyền lợi như nhân sự chính thức của trường nếu là nghiên cứu sinh toàn thời gian có ký hợp đồng với trường này.

Cuối năm 2018 vừa qua, Viện Toán học Việt Nam cũng đã thực hiện chính sách “trả lương” cho học viên chương trình cao học quốc tế.

Theo PGS Nguyễn Việt Dũng, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam), viện bắt đầu thực hiện chính sách cấp học bổng cho học viên chương trình cao học quốc tế, với mức 3 triệu đồng/tháng. Hiện đã có 6 học viên được hưởng mức hỗ trợ này, trong khi dự kiến viện sẽ cấp 10 suất học bổng/năm. Trước đó, ĐHQG TPHCM cũng đã và đang tích cực xây dựng Quỹ phát triển ĐHQG-HCM để có học bổng dành riêng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh nhằm khuyến khích học tập, nghiên cứu.

Theo học sau đại học ở Việt Nam hiện nay đa phần người học phải nặng gánh chi phí. Để vừa học tập, vừa nghiên cứu lại vừa phải lo cơm áo gạo tiền là chuyện không dễ đối với những ai theo đuổi. Được miễn học phí hay có học bổng cho học viên, nghiên cứu sinh chắc chắn người học sẽ chuyên tâm học tập, nghiên cứu, từ đó mới có cơ sở để đặt ra yêu cầu chất lượng đào tạo phải cao. Và vì thế, những sáng kiến trong việc đầu tư, hỗ trợ cho học viên cao học, nghiên cứu sinh của các trường là hướng đi đúng trong việc thu hút người tài, từ đó rút ngắn khoảng cách đào tạo sau đại học trong nước với thế giới.

Theo lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM, mục tiêu của chương trình đào tạo tiến sĩ quốc tế miễn học phí đầu tiên cho người học là giúp đa dạng hóa lựa chọn cho các nghiên cứu sinh tài năng, nâng cao năng lực công bố quốc tế cho người học và đào tạo có tiến sĩ theo chuẩn quốc tế.

Còn lãnh đạo Viện Toán học Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) thì cho biết: Bên cạnh việc được hỗ trợ về tài chính, lợi ích lớn hơn mà các học viên nhận được từ chương trình là họ tiếp tục được các giáo sư nước ngoài, chủ yếu là Pháp, giới thiệu để xin học bổng tiến sĩ ở nước ngoài (hầu hết các học viên khóa 1, khóa 2 nay đều là tiến sĩ). Nhờ thế mà nhiều cựu học viên của chương trình đã trưởng thành, thậm chí còn trở lại trực tiếp tham gia giảng dạy các khóa học viên mới với tư cách là giáo sư của trường Pháp hoặc cán bộ của Viện Toán.

Dĩ nhiên, để có được kinh phí đầu tư cho người học sau đại học và nghiên cứu sinh như thế, với các trường không phải dễ dàng gì, nếu như không được tự chủ ở mức cao nhất. Như ở Viện Toán học Việt Nam, để miễn phí cho học viên, chi phí đào tạo 1 năm trong nước thì viện tự lấy nguồn của mình để chi trả. Sang năm thứ 2, viện gửi học viên ra nước ngoài đào tạo bằng cách xin học bổng của các trường nước ngoài hoặc các quỹ khoa học của nước bạn.

Ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM, ĐHQG TPHCM.., các đơn vị tựa trên cơ chế tự chủ tài chính mà khéo vén chuyện tiền nong, vừa cân đo đong đếm nguồn thu của mình, vừa tích cực vận động, hợp tác từ các nguồn bên ngoài. Nhiều nhà quản lí đại học tin tưởng rằng, Luật Giáo dục Đại học mới vừa được ban hành, sắp có hiệu lực, đã tăng cường tính tự chủ của các trường, chắc chắn sẽ tạo điều kiện để đào tạo sau đại học phát triển các mô hình miễn học phí, trao học bổng cho người học mạnh mẽ hơn, từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, hướng đến hội nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ