Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) |
Thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng khi thu hồi đất vì mục đích phát triển KT - XH, chủ đầu tư phải thoả thuận với dân về đền bù, GPMB, tái định cư…
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng: Cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và người dân vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của chính quyền để minh bạch hoá quy hoạch, từ đó người dân biết được đất đai mình đang sử dụng sẽ được quy hoạch ra sao, sử dụng thế nào? Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không đề cập đến trách nhiệm của MTTQ đối với công việc này.
Theo ĐB Sinh, sự tham gia giám sát của người dân với quá trình thu hồi đất và có ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là hết sức cần thiết. Tuy vậy quy định của dự thảo lại quá mờ nhạt, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Dự thảo cần quy định rõ việc tham gia ý kiến của người dân vào quy hoạch, kế hoạch đất là bắt buộc.
Đề cập đến việc thu hồi đất, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng: Quy định về thu hồi đất đã giao nhưng chủ đầu tư vi phạm, không triển khai dự án nêu trong dự thảo là thiếu tính khả thi. Bởi thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp được cấp đất nhưng đang để lãng phí đất đai, nhiều năm không thực hiện nhưng vẫn không thu hồi được vì không thoả thuận được chi phí bồi thường những công trình đã triển khai trên dự án.
Đại biểu đề nghị việc quy định rõ thu hồi đất được giao nhưng vi phạm mà không phải đền bù hay bồi thường cho chủ đầu tư là cần thiết để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.
Một trong những điều khoản mà nhiều đại biểu cho ý kiến là quy định về thu hồi đất vì mục đích phát triển KT-XH. Các ĐB Ya Duck (Lâm Đồng), Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) không đồng tình với quy định cho phép thu hồi đất vì mục đích phát triển KT-XH. Theo các đại biểu, quy định này dễ bị lợi dụng, phát sinh tiêu cực. Còn doanh nghiệp muốn mua thì phải tự thoả thuận với người đang sử dụng đất.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) kiến nghị dự thảo cần quy định rõ Nhà nước không thu hồi đất để phát triển KT - XH do các nhà đầu tư trình mà cần cơ chế để người dân được góp vốn, đất đai vào dự án đó.
Bên cạnh đó, cần làm rõ khái niệm giá thị trường và xác định như thế nào? Theo ĐB, giá thị trường không phải là giá do Nhà nước hàng năm đưa ra mà là giá do thị trường quyết định vào thời điểm thu hồi đất. Quá trình thu hồi đất không để người bị thu hồi đất là người đứng ngoài cuộc dẫn đến thiếu công khai, minh bạch và đây là nguyên nhân của các vụ khiếu kiện, tố cáo.
Góp ý về việc tránh các “quy hoạch treo”, ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) chỉ ra những hạn chế của dự thảo là chưa xác định được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác. Đồng thời, người bị thu hồi đất có quyền yêu cầu Nhà nước hoặc chủ đầu tư phải bồi thường ngay sau khi có quy hoạch để lo cho cuộc sống và sẽ hạn chế được quy hoạch treo vì tiền đã bồi thường cho dân.
Đối với việc thu hồi đất để phát triển KT-XH phải được điều chỉnh, xem xét kỹ càng nếu thiên về lợi nhuận cho nhà đầu tư. Do đó, nhà đầu tư phải thoả thuận với dân về giá cả với sự giám sát của các hội, đoàn thể và nhân dân.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi thẳng thắn cho rằng, chưa thể kỳ vọng nhiều vào Luật có hiệu lực sẽ giải quyết căn bản được những bất cập hiện nay. Bởi hiện nay còn nhiều “sạn” cần được giải quyết. Đặc biệt, ông Lợi cũng nhấn mạnh đến việc thu hồi đất để phát triển KT-XH như xây dựng nhà cửa để bán thì dứt khoát phải thoả thuân với dân.
Về giá đất, ông Lợi cho rằng cần có phương pháp xác định giá đất để có căn cứ chính xác. Quy định khung giá đất đến 5 năm là quá dài bởi hiện nay quy định giá đất hàng năm mà còn nhiều khiếu kiện thắc mắc.
Lên tiếng về "quy định đất đai là sở hữu toàn dân" hiện nay, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) phân tích: Đã quy định như vậy thì người dân phải thực sự làm chủ mảnh đất của mình, phải được quyền sử dụng. Nhưng thực tế quy định hiện hành lại tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân giàu lên nhanh chóng mà người dân phải chịu nhiều thiệt thòi. Yêu cầu của thực tiễn và nhân dân đặt ra là dự thảo Luật sửa đổi lần này phải giải quyết cho được tình trạng bất công như trên, bảo đảm cho người dân bị thu hồi đất có bảo đảm được cuộc sống cho mình.
Theo Chinhphu.vn