Thu học phí dạy online ở trường ngoài công lập: “3 lùi” để việc học “tiến”?

Thu học phí dạy online ở trường ngoài công lập: “3 lùi” để việc học “tiến”?

Thỏa thuận và đồng thuận

Dù được “tự thỏa thuận” về tài chính trong dạy học online, song tới thời điểm này các trường NCL vẫn có quyết định không giống nhau. Bên cạnh một số trường ngoài công lập (NCL) công khai miễn học phí dạy online, nhiều trường khác còn chưa đưa ra quyết định cụ thể, hoặc mới đang có động thái “thăm dò” ý kiến đồng thuận của phụ huynh.

Trả lời báo chí xung quanh việc trường NCL thu học phí dạy online, ông Trần Tú Khánh (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT) phân tích: Việc thu học phí được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở GD thuộc hệ thống GD quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Ra thông báo cuối tuần vừa rồi, Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) quyết định: Không nhận bất cứ khoản ủng hộ hay hỗ trợ tự nguyện nào của phụ huynh HS, cũng như không thu bất cứ khoản học phí nào liên quan đến việc học online trong tháng 4.

Bà Văn Thùy Dương (Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh) bày tỏ tâm tư: “Khi trường quyết định tìm cách tự chi trả lương cho GV trong tháng 4 để bớt đi phần nào gánh nặng cho phụ huynh, có nhiều cha mẹ tự nguyện chung tay góp sức cùng nhà trường”. Theo bà Dương, ở Trường Lương Thế Vinh có rất nhiều phụ huynh “hiểu chuyện” như thế.

Thực tế, các trường NCL được tự chủ về tài chính, tuy nhiên cũng có vô vàn mô hình GD, các mức học phí khác nhau, vậy nên khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, HS không tới trường, mỗi cơ sở GD lại có giải pháp để tồn tại.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho rằng, cũng là trường NCL nhưng các trường có yếu tố nước ngoài có quỹ lương và phí thường niên dạy chương trình bản quyền quốc tế rất đắt, nên không thể so sánh được cách thu học phí dạy online của các trường này với những trường dạy chương trình “thuần Việt” (theo chương trình chung của Bộ GD&ĐT).

Trường Nguyễn Siêu công bố không thu học phí dạy online tháng 2. Nhưng tháng 3 trường đã “kích hoạt” 100% GV nước ngoài dạy học online, để dạy đủ số tiết, bảo đảm tiến độ chu kỳ thi chương trình Cambridge vào tháng 5 (theo lịch thi quốc tế của chương trình này). Bà Thúy cho biết: “Trường sẽ cân nhắc cả điều kiện tài chính của phụ huynh, mức thu ở lớp học có nội dung “quốc tế” tới 80% không thể như lớp “quốc tế” 40%. Theo tôi, hãy để mỗi trường NCL tự thỏa thuận với phụ huynh của trường mình, theo tình hình thực tế, điều kiện ở mỗi trường”.

Thu học phí dạy online ở trường ngoài công lập: “3 lùi” để việc học “tiến”? ảnh 1
HS học trực tuyến ở nhà. Ảnh phụ huynh cung cấp

Giữ “mạch học” để học sinh không thiệt thòi

Trước khó khăn chung bởi dịch bệnh, bà Thúy cho rằng: Tranh cãi trường NCL thu học phí như thế nào sẽ ổn thỏa nếu các bên cùng hướng tới quyền lợi của HS, thực hiện “3 lùi”. “Giáo viên chấp nhận thu nhập dạy online thấp hơn dạy bình thường; phụ huynh cần biết chia sẻ khó khăn tài chính với nhà trường; còn các trường chấp nhận không tính đến doanh thu, chỉ cần lo cho GV có thu nhập, xây dựng được chương trình dạy và học online chất lượng là tốt rồi” - bà Thúy bày tỏ.

Lãnh đạo các trường, GV sốt ruột, phụ huynh cũng vậy. Nhiều người trong tình cảnh đứng ngồi không yên, nhất là trước mối lo với những HS chuẩn bị thi chuyển cấp, HS sắp đến thời điểm thi THPT quốc gia. Dù nhiều kịch bản được đưa ra, còn đang tính đến, song dẫu ảnh hưởng dịch bệnh còn kéo dài đến bao giờ, trường học đóng cửa đến khi nào, cũng không thể để ngưng “mạch học”. Bởi thế, những lớp học online, bài giảng trên truyền hình, nhiều hình thức học trực tuyến đang được xây dựng bởi các thầy cô giáo vượt khó khăn, thâu đêm suốt sáng soạn giáo án điện tử, tiếp nối “mạch học” trong tình thế bất khả kháng.

Chắc chắn không có chuyện tất cả trường NCL sẽ miễn phí hoàn toàn dạy online nếu dịch bệnh khiến HS phải nghỉ học kéo dài lâu hơn. Còn thu phí, cũng không thể đưa ra quyết định giống nhau, bởi chương trình GD với những quan điểm GD khác nhau. Nhưng chắc chắn một điều, chất lượng dạy học và sản phẩm GD - HS chính là câu trả lời rõ nhất cho “sức khỏe” của từng trường NCL sau dịch bệnh.

Với các trường NCL, việc thu hay không thu học phí dạy online tùy thuộc vào nhà trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau, trên cơ sở có chi phí hợp lý nhất. Các nhà trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để xây dựng, tính toán mức thu hợp lý, thu đủ bù chi cho các dịch vụ, đồng thời thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh HS trước khi triển khai. - Ông Trần Tú Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ