Thú chơi thanh tao

GD&TĐ - Để có những “vận động viên” ưu tú nhất mang dự tranh ở xứ người, các “nghệ nhân” phải lao tâm khổ tứ và vất vả chăm bẵm chúng; nếu thắng cuộc có cơ hội “rinh” phần thưởng không nhỏ. 

Chim thi đấu được tuyển chọn kỹ và luyện tập công phu
Chim thi đấu được tuyển chọn kỹ và luyện tập công phu

Đây là lần thứ 7 trong năm, CLB đi “đổ chim” nhưng do thời tiết xấu chỉ 3 lần thành công. Có hôm họ mang chim đi vài chục cây số vừa thả lên giời thì gặp gió lớn, mây mù ùn về nên phải ngừng “cuộc chơi”. Hội thi mùa hạ năm nay còn 17 lượt “đổ chim” tại nhiều địa phương chưa được thực hiện. Để kịp tiến độ, các thành viên CLB đang sốt ruột chờ điện thoại của trưởng ban thông báo, hễ trời đẹp là lên đường.

Theo lịch bốc thăm, tháng 7 tới lượt đấu “anh tài” danh giá - được ví như vòng chung kết với sự tham gia của những lồng chim xuất sắc nhất sẽ tổ chức tại xã Đông Lỗ. Theo quy định, chim của các “nghệ nhân” chủ nhà không được dự vòng này nên họ chủ yếu tham gia vai duyệt thượng (chấm điểm chim). Anh Đặng Văn Tâm (SN 1972) - “Trưởng khoảnh tre” (nôm na là trưởng nhóm chơi chim bồ câu bay tại Đông Lỗ) nói: “CLB có hơn 200 thành viên ở nhiều tỉnh. Để công bằng giữa các đội, việc “đổ chim” được luân phiên ở 19 điểm, kết thúc hội thi cũng là cuối mùa hạ”.

Điểm chung của các “nghệ nhân” là khuôn mặt sạm đen do cháy nắng và quắt lại. Anh Tâm chia sẻ: “Suốt ngày ngửa cổ lên trời phơi nắng bảo sao da không sạm, mặt không đen “nhẻm”. Trước kia, dân ta nuôi chim phục vụ việc đưa thư, sau đó tổ chức ra cuộc thi để so tài huấn luyện rồi phát triển thành thú chơi dân gian.

Chăm chim quanh năm, vực hai tháng trước hội nhưng thi chim chỉ có hai mùa hạ và thu vì lúc ấy tiết trời trong xanh, nắng ấm, ít mây nên trọng tài dễ quan sát chấm điểm, vật nuôi ít bị mắc lỗi chui vào đám mây và cũng tìm đường về nhà dễ hơn. Mùa này cũng ít xuất hiện chim cắt, diều hâu, không sợ chúng nhao vào bắt mất chim câu trong quá trình dự giải.

Trong xã có không ít hộ nuôi chim bồ câu thương phẩm nhưng nuôi để thi hiện chỉ còn 6 “nghệ nhân”, mỗi người trong chuồng lúc nào cũng có gần 200 “chiến điểu” được nuôi dưỡng, huấn luyện chuyên nghiệp. Thức ăn cho chim gồm đỗ nhỏ, ngô, thóc, gạo xay. “Bồ câu là loài thông minh, thân thiện, chúng được xem là biểu tượng của hòa bình, tự do. Những cánh chim được thỏa sức vẫy vùng trên trời xanh đã mang theo bao ước vọng của người dân Đông Lỗ” – anh Tâm nói.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Ngoài sân nhà anh Tâm, đàn bồ câu thuần chủng đang nhẩn nha nhặt thóc, tiếng gù gù len lỏi vào từng ngóc ngách thôn quê vốn yên ả thanh bình. Chủ chim chọn 10 “chiến binh” ưu tú nhất cho vào lồng rồi mở nắp xua chúng bay vút lên trời xanh. Ở tầng thấp nhìn cả đàn cỡ bằng cái nia rồi mỗi lúc một nhỏ, đến khi lên tầng thượng (cao khoảng 5km) chỉ còn nhìn thấy chấm đen mơ hồ giữa nền trời xanh và lâu lâu biến mất. Đàn chim vần nhau trên mấy tầng trời, có khi nhập vào đàn khác cả buổi mới hạ cánh. Anh Tâm đeo kính đen mắt dõi theo bóng chim và giải thích: Kỹ thuật đổ chim quan trọng lắm, chỉ cần đổ “vụng” một động tác là làm chim tan đàn ngay.

Trên cánh chim được đóng dấu riêng của CLB. Không có dấu này, chim sẽ không được tham gia. Một mùa hội chim, chủ nhân phải đóng 2 triệu đồng/đầu lồng và được quyền đổ chim ở 19 điểm. Hội có ban tổ chức, ban giám khảo chấm điểm. Chim thắng cuộc được vinh danh, chủ được nhận tiền thưởng, quà tặng. Giải Nhất ở mỗi điểm “đổ chim” là hơn 6 triệu đồng. Đây là thú chơi lành mạnh, có cơ hội mang phần thưởng lớn nên anh em thành viên CLB rất ham.

Theo luật chơi, ban chấm thi gồm hai nhóm: “Trịch ngoại” làm nhiệm vụ sơ khảo, “trịch nội” chấm chung khảo. Khi đàn chim bay lên, “trịch ngoại” đánh trống thúc và theo dõi, nếu chim không phạm lỗi thì điểm 3 tiếng trống cái và chuyển giao đàn chim đó cho “trịch nội” chấm tiếp.

Đàn chim được giải cao phải đạt các tiêu chí như bay quần tụ lên cao theo phương thẳng đứng, lên được độ cao nhất vẫn tụ đàn và không mắc phải các lỗi như: Tiên hành, đại tùy, xuất (nghĩa là chỉ cần 1 chim bay trước hẳn hoặc bị bỏ lại hẳn phía sau, tách đàn, tan đàn), bay quá xa khu vực thi, nhập vào đàn khác hoặc để đàn khác nhập vào, lâu không lên thượng, chui vào đám mây, lười bay để cánh tà... là bị đánh hồi hạ loại khỏi cuộc chơi.

Các nghệ nhân chia sẻ: Không phải đàn nào cũng lao thẳng lên trời, có đàn sổ lồng là vỗ cánh bay lung tung, chủ nhân hụt hẫng vô cùng. Để có đàn chim như ý, người chơi phải kỳ công từ khâu tuyển chọn chim, phải là bồ câu ta bởi giống này khỏe, trọng lượng nhỏ có thể bay cao, nhanh. Ngực chim phải nở, cánh to, đồng tử mắt nhỏ mới chịu được nắng gió.

Người chơi chim nhiều kinh nghiệm còn tùy vào thời tiết mà chọn chim đi thi, chim mắt đỏ thi mùa hạ, mắt vàng xanh thi mùa thu mới mong có kết quả tốt. Cũng không kém phần quan trọng là khâu chọn chim dẫn đàn. Chim này biết chặn trước đưa sau, khiến những con chim khác muốn bay nhanh hơn hay chậm lại cũng không được. Chúng biết phân biệt đàn chim lạ, không cho đàn mình nhập với đàn chim khác và ngược lại, do đó việc giữ gìn gen giống chim tốt được người chơi rất quan tâm. Ở Đông Lỗ có những con chim dẫn đàn được bán với giá vài chục triệu đồng.

Điều kỳ lạ hơn, dù có thả chim ở Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh hay các địa phương xa hơn thì chim bồ câu vẫn biết đường bay về nhà. Cùng chung “khoảnh trẻ” với anh Tâm tại Đông Lỗ, “nghệ nhân” Khổng Văn Vấn kể: “Còn nhớ dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long (năm 2010), hội thi chim kết thúc, anh em tôi chưa về mà người thân đã báo tin chim đã về nhà rồi”. Hội thi chim mùa hạ đang bước vào hồi kết; người chơi các tỉnh, thành phố đang khát khao chờ đợi chiến thắng ở vòng đấu “anh tài” sắp tới tại vùng hạ huyện Hiệp Hòa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ