Gặp Ngô Dũng trong tòa nhà khá khang trang tại phố Nguyễn Khuyến. Ít ai nghĩ rằng trong không gian ồn ào đó lại có khoảng lặng đáng mơ ước với 1 tầng lầu chỉ dành để trưng bày đồng hồ cổ - thú chơi thời gian gần như chỉ dành cho những cụ ông, đã qua cái tuổi "làm kinh tế".
Hỏi Ngô Dũng đang kinh doanh khách sạn tốt như vậy, sao anh lại bỏ ngang sang chơi đồng hồ cổ, có phải anh nhìn thấy có thể "hái ra tiền" từ những thứ cũ kỹ này không?
Ngô Dũng cười bảo: "Tôi vẫn còn kinh doanh khách sạn nhưng mà giao cho quản lý làm, vẫn phải kinh doanh chứ, kinh doanh khách sạn là để sống, còn chơi đồng hồ cổ là thú đam mê".
Bố Ngô Dũng là người mê đồng hồ từ bé. Lớn lên, những âm thanh của đồng hồ, những đường nét mềm mại bay bổng khắc trên những chiếc hộp đồng hồ một cách tỉ mỉ đã ăn vào máu thịt của anh.
Dù biết rằng tuổi trẻ là phải làm kinh tế, nhưng "nỗi ám ảnh mang tên thời gian" cứ đeo đẳng anh để rồi đến thời điểm này, Ngô Dũng đã kịp sở hữu vài trăm chiếc đồng hổ cổ từ nhiều nước, có cái lên tới cả vài trăm triệu đồng.
Những thứ cũ kỹ này đã "ngốn" của anh khá nhiều tiền bạc và thời gian. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc, sưu tầm nó, anh thấy cuộc sống của mình nhiều ý nghĩa hơn.
Với Ngô Dũng, đồng hồ cổ là thú chơi tao nhã, nó thực sự đã trở thành những người bạn gần gũi và thân thiết. Mỗi chiếc đồng hồ với anh dường như đều có một linh hồn, một cuộc sống thật sinh động và đầy ý nghĩa.
"Bạn thử nghĩ mà xem, sau một ngày làm việc mệt nhọc, về nhà mà được nằm yên tĩnh nghe những âm thanh tích tắc của đồng hồ, dường như mọi thứ chậm lại.
Nhiều người bảo tôi dại, nhưng mỗi lúc nghe tiếng tích tắc của đồng hồ, tôi cảm nhận được tiếng thời gian trôi và cảm nhận rõ hơn sự ngắn ngủi của cuộc sống, cảm nhận được khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc đời con người. Mỗi con người như ánh chớp ngang trời, có đó rồi mất đó. Thế giới luôn chuyển động chính vì vậy, phải sống sao cho có ích mỗi ngày…".
Ngô Dũng kể, ban đầu, khi mang những chiếc đồng hồ về, anh vặn mỗi cái một giờ để mỗi lúc lại được nghe âm thanh của quả lắc, nó như những bản nhạc tuyệt vời. Nhưng cũng chính thú vui này mà giúp việc và vợ anh mất ngủ.
Vợ chồng nhiều lúc lục đục, giúp việc thì suốt ngày đòi nghỉ. Nhưng dần dần, chính những âm thanh ấy lại mê hoặc những người trong gia đình, giúp việc nhiều chỗ trả lương cao hơn nhưng nhất định không đi vì sợ đi nhà khác không còn được nghe tiếng đồng hồ điểm.
Đam mê đã đành nhưng nếu không am hiểu và có trình độ chuyên môn nhất định, trau dồi kiến thức liên tục thì sẽ khó có được những chiếc đồng hồ độc đáo. Ngô Dũng bảo, nếu cứ nhắm mắt mua bừa theo sự điều khiển của cái đầu rỗng tuếch thì sớm muộn cũng sẽ sở hữu được một bộ sưu tập “hổ lốn”.
"Nghề chơi cũng lắm công phu" - Ngô Dũng nói. Tìm được một chiếc đồng hồ cổ đã khó, tìm được thợ sửa đồng hồ cổ ở Hà Nội lại càng khó hơn. Vì số lượng thợ sửa cao tay ít, lại già nên họ không đến tận nhà sửa.
Thường thì muốn sửa, lau chùi thì phải mang tới nhà họ, như thế dân chơi đồng hồ cổ lại không thích bởi với nhiều người đã mua được chiếc đồng hồ quý, họ trân trọng và không muốn mang đi đâu.
Đồng hành trong cuộc chơi của Dũng là Thức. Chàng trai Nam Định lập nghiệp tại Hà Nội mới 3 năm nhưng cũng kịp ghi dấu ấn, nhận được sự tin tưởng từ những người chơi đồng hồ cổ khó tính nhất bởi sự cơ động, tỉ mẩm, cẩn thận của Thức.
Thức bảo, cái tên như gắn vào nghiệp của anh nên giới chơi đồng hồ cổ luôn tếu táo rằng "Đã giao đồng hồ cho Thức là không bao giờ có chuyện đồng hồ ngủ nữa".
Nói như vậy để thấy rằng, bất kể đồng hồ "bệnh tình trầm trọng" đến mấy, Thức đều đến tận nhà, tỉ mẩn có khi từ sáng tới tối để tìm bệnh và sửa bằng được cho chủ nhân của nó.
Trẻ tuổi nhưng Thức chưa từng từ chối một "ca khó" nào về đồng hồ cổ.
Rời quê lên thành phố, bỏ qua những lời can ngăn của người thân, bỏ qua cánh cửa trường đại học chào đón để có thể tìm được công việc ổn định hơn nhưng tình yêu nghề và hơn hết, muốn một sự chuyên nghiệp trong công việc sửa chữa đã thôi thúc Thức bám trụ lại thành phố dù rất nhiều chông gai, khó khăn.
Thức bảo, thợ sửa đồng hồ cổ hiện nay rất hiếm, lại già cả mà có muốn truyền nghề cũng rất ít người trẻ theo vì nghề này bấp bênh, giới trẻ thích những thứ gì thuộc về hiện đại, nghề được gọi là hot.
Nếu có một phòng sửa chữa chuyên nghiệp, với những dụng cụ tiên tiến, với những người trẻ yêu nghề đầy nhiệt huyết, luôn tìm tòi những công nghệ sửa chữa cho từng loại đồng hồ khác nhau, tôi hy vọng sẽ chuyên nghiệp hóa được công việc vốn bị coi là manh mún này”, -Thức chia sẻ.