Thông tin tuyển sinh và đào tạo của Trường Đại học Công nghệ và Quản lý hữu nghị

Thông tin tuyển sinh và đào tạo của Trường Đại học Công nghệ và Quản lý hữu nghị

(GD&TĐ) - Đã có nhiều độc giả và thí sinh hỏi về thông tin và mô hình đào tạo của trường Trường đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị Hà Nội (CN&QL). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Lãnh đạo nhà trường và xin cung cấp thêm một số thông tin như sau: 

Trường đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, tên tiếng Anh là University of Technology and Management, viết tắt là UTM, là một trường đại học mới được thành lập (theo Quyết định số 1702/QĐ-TTg ngày 21/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ), hoạt động theo mô hình mới về trường đại học ngoài công lập với đặc điểm nổi bật sau đây:

Nhà trường là đơn vị đầu tiên đào tạo đại học chính quy không thu lợi nhuận. Chất lượng đào tạo của nhà trường cao nhờ có đội ngũ giảng viên cơ hữu mạnh và sự liên kết với các viện nghiên cứu hàng đầu của cả nước. “Mục tiêu chính của nhà trường là đào tạo nhân lực trình độ Cử nhân, Thạc sĩ, Kỹ sư và Tiến sĩ theo một số ngành kỹ thuật, công nghệ và kinh tế với chất lượng đào tạo đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, những sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh tốt nghiệp Trường đại học Hữu Nghị sẽ có kiến thức khoa học công nghệ cũng như năng lực thực hành sản xuất kinh doanh và nghiên cứu ứng dụng, triển khai khoa học công nghệ tương đương với những người có cùng một bằng cấp và tốt nghiệp ở các trường đại học có uy tín ở Tây Âu hoặc Hoa Kỳ”. “Phấn đấu xây dựng Trường đại học Hữu Nghị trở thành một trường đại học kiểu mẫu về chiến lược đào tạo”, Viện sỹ - Hiệu trưởng nhà trường - Nguyễn Văn Hiệu cho biết.

Thông tin tuyển sinh và đào tạo của Trường Đại học Công nghệ và Quản lý hữu nghị ảnh 1

Về cơ sở vật chất: Nhà trường có hai cơ sở, cơ sở 1 là tòa nhà N3 đường Hồ Tùng Mậu – Mai Dịch – Cầu Giấy – Hà Nội và một cơ sở hiện đang xây dựng tại xã Dương Nội – Hà Đông – Hà Nội với tổng diện tích 20ha.

 Cơ sở một của trường hiện nay là nơi đào tạo chính các khoa, ngành được trang bị hiện đại về phòng học, phòng thực hành, phòng chức năng nghiệp vụ, thư viện đáp ứng điều kiện học tập tốt nhất cho sinh viên. Ngoài ra Viện Nghiên cứu Tiên tiến Việt Nam là đơn vị liên kết đào tạo trực thuộc trường và hai viện (Viện Vật lý và Viện Khoa học Vật liệu) thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Về đội ngũ & chất lượng giảng viên: Hiện, 100% giảng viên trong trường đều có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Trong đó, 29% là giáo sư, 19% phó giáo sư, 33% tiến sĩ và 19% thạc sĩ. Đặc biệt, hiệu trưởng nhà trường là Nhà giáo Nhân dân, giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, người từng đoạt giải thưởng Lê-Nin và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ, ĐHQG HN. Phó hiệu trưởng nhà trường là giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhà trường có 03 giảng viên là nhà khoa học được nhận giải thưởng nhà nước năm 2005 về khoa học kỹ thuật, trong đó có một người được Giải thưởng Vifotec ba lần (giải Nhất, giải Nhì và giải Ba).

Các chuyên ngành đào tạo.

Gồm 10 chuyên ngành chia làm 02 khoa cơ bản. 

Khoa Quản trị kinh doanh (QTKD)

Khoa Quản trị kinh doanh bao gồm các chuyên ngành hẹp sau: Kế toán và Tài chính  - Ngân hàng, Quản trị Kinh Doanh Tổng hợp, Quản trị Marketing, Quản trị Tài chính Doanh nghiệp, Quản trị Kinh doanh Thương mại, Quản trị Thương mại Quốc tế, Quản trị Bất động sản. Mục tiêu của ngành này là đào tạo “nhà lãnh đạo trẻ tương lai”, với hai tiêu chí: có năng lực tư duy và có tinh thần doanh nghiệp, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp trên cơ sở kết hợp các yếu tố truyền thống và hiện đại. Chương trình và giáo trình đào tạo theo tiêu chuẩn các trường đại học hàng đầu về QTKD, trong đó các bài giảng được thiết kế hợp lý và khoa học sẽ giúp sinh viên tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất theo từng thời kỳ.

Khoa này năm nay dự kiến tuyển sinh 350 chỉ tiêu hệ đại học và 200 chỉ tiêu hệ cao đẳng.

Khoa Khoa học và công nghệ.           

Bao gồm các chuyên ngành: Vật lý học, Vật lý kỹ thuật, Khoa học Vật liệu, (Công nghệ thông tin năm nay không tuyển sinh). Mục tiêu đào tạo của khối ngành này là cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao làm vệc trong các viện nguyên cứu khoa học, các trung tâm công nghệ cao, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử - bán dẫn, các nhà máy điện hạt nhân…vv.

Năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của khoa này, dự kiến là 100 chỉ tiêu hệ đại học chính quy.

Cả hai khoa trên nhà trường không tổ chức thi, mà lấy kết quả thi đại học của những thí sinh đã dự thi khối A,D1 năm 2011 theo đề thi chung của Bộ để xét tuyển, trên cơ sở hồ sơ đăng kí xét tuyển của thí sinh. Điểm xét tuyển theo khối thi.

Chế độ học phí:

Đối với sinh viên Khoa Khoa học và Công nghệ là: 600.000 đồng/tháng/sinh viên.

Đối với sinh viên Khoa Kinh tế và Quản lý: Hệ Đại học: 850.000 đồng/tháng/sinhviên. Hệ Cao đẳng:500.000đồng/tháng/SV. Ngoài ra nhà trường có chế miễn giảm học phí, trao tặng học bổng cho các bạn sinh viên có thành tích trong học tập.

Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết tại trang wed của trường có địa chỉ: http://www.utm.edu.vn 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ