Thông tin chính xác, sĩ tử an tâm

Thông tin chính xác, sĩ tử an tâm

(GD&TĐ) - Lần gần đây nhất Đội tuyển Bóng đá Việt Nam cấm trại là tại SEA Games 2012 cuối năm ngoái. Mọi tiếp xúc với bên ngoài trước mỗi trận đấu đều bị kiểm soát chặt. “Chúng tôi hiểu dư luận và người hâm mộ rất quan tâm tới ĐTVN. Nếu cần nắm bắt thông tin để truyền tải đến người hâm mộ, các phóng viên có thể tới phòng BHL. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi. Nhưng cầu thủ thì cần giữ được sự tập trung, tránh xao nhãng vì những câu chuyện ngoài lề” - HLV trưởng Phan Thanh Hùng giải thích. Mong muốn ấy của ông Hùng, dẫu SEA Games chỉ là một sân chơi thể thao, được báo giới và dư luận vui lòng chấp thuận.

Trở lại với câu chuyện Bộ trưởng GD&ĐT vừa có văn bản chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Lập tức, công văn này bị hiểu nhầm là ngăn cản sự tác nghiệp của báo chí, che giấu thông tin tiêu cực... Tuy nhiên, nếu dành thêm chút ít thời gian để đọc hết văn bản thì công văn này đã khẳng định rõ: Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến đề thi như lộ đề, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi...

Bên hành lang Quốc hội ngày 21/6, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã khẳng định: Cho đến thời điểm này, tất cả tiêu cực phát hiện được đều từ báo chí. Không có lý do gì không phối hợp với báo chí. Tuy nhiên, ông chỉ lưu ý, báo chí cần thận trọng, đừng nghe một cái là đưa tin, như chuyện học sinh đưa lên mạng lộ đề giờ này, giờ kia mà chưa kiểm chứng sẽ gây sốc cho học sinh khác đang làm bài...

Tại sao lại sốc? Hầu như không một kỳ thi nào - nhất là ở những kỳ thi có tính chất căng thẳng như tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học - lại không rộ lên những tin đồn "lộ đề thi" môn nọ, môn kia ở điểm thi này, điểm thi khác. Tuy nhiên, những thông tin ấy sau khi được làm rõ thì chỉ là những "tin đồn vô căn cứ".

Trong những bài viết tư vấn "Mách bạn cách giữ vững tâm lý trước kỳ thi", một lời khuyên được đưa ra là: Không quan tâm đến những thông tin "nhiễu". Nhiễu thông tin, nhất là những thông tin về tình hình lộ đề thi... khiến sĩ tử hoang mang. Sự hoang mang ấy là chính đáng bởi kỳ thi quốc gia thực sự là một sàn đấu. Không phải ai cũng đủ tự tin để khẳng định sự vượt trội của mình, các em chỉ có thể tự tin, thoải mái khi đón nhận những thông tin ấy nếu nó là sự xử lý nghiêm khắc, đảm bảo cho một trận đấu công bằng. Chống gian lận, chống tiêu cực trong thi cử chỉ có hiệu quả khi nó chính xác và góp phần tạo niềm tin cho các thí sinh học thật, thi thật.

Báo chí luôn dành được sự tin tưởng, nhiều khi là tuyệt đối của người dân. Một thông tin xuất hiện trên mặt báo, vì thế sẽ lan tỏa rất nhanh, nhất là những thông tin liên quan đến các nghi vấn tiêu cực, bởi một nghi ngờ luôn thường trực trong mỗi người "không có lửa làm sao có khói"! Việc chống tiêu cực, vì thế luôn cần sự dấn thân và khẳng định chính xác, nỗi nghi ngờ không thể giải tỏa bằng một nghi vấn khác được đặt ra. Và theo thông lệ, trước và sau mỗi kỳ thi Bộ GD&ĐT đều họp báo nhanh (riêng kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ, đều có họp báo nhanh vào cuối mỗi ngày thi) để thông báo kịp thời đến báo chí thông tin về ngày thi hôm đó. Đương nhiên, những thông tin về tiêu cực và xử lý tiêu cực luôn là mối quan tâm hàng đầu của báo chí.

Sự thận trọng vô cùng cần thiết, nhất là khi kỳ thi thường chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, không quá 2 ngày. Để xác minh một sự nghi vấn tiêu cực thường không thể nhanh đến vậy. Ngay các nghi ngờ đề lộ, đề sai dù vô căn cứ, thường cũng chỉ được làm rõ sau khi kỳ thi đã kết thúc.

Mới chỉ ít ngày trước, ngày 4/5, Thủ tướng đã ký Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg, ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Không phải ngẫu nhiên, Quy chế đã nêu rất rõ những yêu cầu nghiêm ngặt đối với người phát ngôn. Mỗi phát ngôn, vì thế cần được đặt đúng người và đúng chỗ, một thông tin sai hay gây nghi ngờ hậu quả sẽ khôn lường.

Phong Dao 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ