Thông tin ban đầu về chương trình môn học, tranh luận quanh điểm cộng thi nghề

GD&TĐ - Tuần qua, những thông tin ban đầu về chương trình môn học đã được chuyên gia chia sẻ trên báo chí; cùng với đó là những ý kiến xung quanh dự thảo của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh THCS, THPT, trong đó có việc bỏ điểm cộng thi nghề trong tuyển sinh vào lớp 10…

Thông tin ban đầu về chương trình môn học, tranh luận quanh điểm cộng thi nghề

Thông tin về chương trình môn học

Một số tổng chủ biên chương trình môn học tuần qua đã có những chia sẻ trên báo chí về chương trình mới.

Một số báo đăng trả lời của GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - về chương trình môn Ngữ văn. Theo đó sẽ chú trọng hình thành phương pháp đọc hiểu, cách tạo lập văn bản, thực hành, vận dụng nhiều kiểu loại văn bản khác nhau, cách trình bày, nhằm phát triển năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ của người học.

Môn Ngữ văn trong chương trình mới sẽ chỉ có gồm 6 tác phẩm văn học bắt buộc. Cụ thể là: Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập. Từ đó, các nhóm tác giả viết SGK có thể chủ động lựa chọn các tác phẩm khác nhau đưa vào sách, nhưng đều hướng đến việc thông qua các ngữ liệu để phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Cũng trong tuần qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã dẫn đầu đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, khảo sát tình hình trường, lớp mầm non ở các khu công ngiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) tại Hà Nội và Thái Nguyên. Tại đây, đoàn công tác đã đến thăm các cơ sở giáo dục mầm non trong các khu công nghiệp; làm việc với lãnh đạo UBND TP Hà Nội, lãnh đạo UBND Thái Nguyên về nội dung này.

Theo Thanh niên, trong chương trình mới, môn giáo dục công dân (ở tiểu học gọi là môn đạo đức, ở THCS là môn giáo dục công dân, ở THPT là môn giáo dục kinh tế và pháp luật) giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh (HS) hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc VN và hội nhập quốc tế. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, môn đạo đức và giáo dục công dân là môn học bắt buộc. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của HS.

Nội dung chủ yếu của môn giáo dục công dân là giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật và kinh tế. Trong mỗi năm học, những HS có định hướng theo học các ngành nghề giáo dục chính trị, giáo dục công dân, kinh tế, hành chính và pháp luật; hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học, được chọn học một số chuyên đề nhằm tăng cường kiến thức về kinh tế, pháp luật và kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của mình.

Theo Vietnamnet: Ở tiểu học, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới Lịch sử và Địa lý ở tiểu học là môn học bắt buộc, được dạy học ở lớp 4 và lớp 5. Môn học được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển từ môn Tự nhiên và xã hội các lớp 1, 2, 3 và là cơ sở để học môn Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS.

Mạch nội dung chương trình môn học không tách thành hai phân môn Lịch sử và Địa lý. Các kiến thức lịch sử và địa lý được tích hợp trong các chủ đề về địa phương, vùng miền, đất nước và thế giới theo sự mở rộng về không gian địa lý và xã hội (bắt đầu từ địa phương, vùng miền, đến đất nước và thế giới).

Ở cấp THCS, môn Lịch sử và Địa lý là môn học bắt buộc. Chương trình môn Lịch sử, Địa lý nhấn mạnh việc hướng tới phát triển năng lực tư duy, nhìn nhận thế giới như một chỉnh thể theo cả chiều không gian và chiều thời gian trên cơ sở sử dụng những kiến thức cốt lõi, các công cụ học tập và nghiên cứu Lịch sử và Địa lý; thông qua đó, có năng lực vận dụng các kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn và từng bước sáng tạo.

GS Đỗ Đức Thái - Chủ biên Chương trình môn toán – trả lời trên báo Người lao động: Điểm mới quan trọng nhất, quyết định nhất ở chương trình phổ thông mới môn toán là tinh giản, thiết thực, sáng tạo, chuyển từ việc tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực người học.

Nội dung môn toán phản ánh những giá trị cốt lõi, nền tảng của toán học; đồng thời chú trọng tính ứng dụng, gắn kết với đời sống thực tế hay các môn học khác. Đặc biệt, ở từng cấp học, cũng dành nhiều thời gian cho các hoạt động trải nghiệm toán học như thực hiện đề tài, dự án học tập về ứng dụng toán học trong thực tiễn, tổ chức các trò chơi toán học…

Cũng trên Vietnamnet, PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, Chủ biên Chương trình môn Vật lý trong Chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ: Chương trình môn Vật lý trong chương trình giáo dục phổ thông có 8 đặc điểm quan trọng:

Tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản, phân hóa ở THPT; Kiến thức được tiếp cận theo quan điểm mới; Chú ý thích đáng đến việc phát triển năng lực thông qua thực hành; Ngoài nội dung giáo dục cốt lõi còn có các chuyên đề; Đổi mới phương pháp giáo dục là yếu tố quyết định để phát triển năng lực học sinh; Đánh giá kết quả giáo dục là một khâu then chốt trong phát triển năng lực học sinh; Có tính đến các đối tượng và khu vực khác nhau.

GS Đinh Quang Báo - Chủ biên chương trình môn Sinh học – chia sẻ trên báo Giáo dục và Thời đại: Nội dung sinh học vừa phản ánh các thuộc tính cơ bản của tổ chức sống trên cơ sở sinh học cấp độ vi mô (phân tử, tế bào) và cấp độ vĩ mô (hệ sinh thái, sinh quyển); vừa giới thiệu các nguyên lý công nghệ ứng dụng sinh học nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ của thế kỷ XXI – thế kỷ của công nghệ sinh học, và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0).

Chương trình chú ý tăng cường hoạt động thực hành, ứng dụng trong đời sống và tìm hiểu công nghệ sinh học; kết hợp học trên lớp với hoạt động ngoại khoá trong môi trường tự nhiên và xã hội.

Định hướng chung đó được cụ thể hoá trong nội dung Sinh học ở các lớp 10, 11, 12. Cụ thể là: học hết chương trình sinh học lớp 10, 11, 12 cùng với các cụm chuyên đề học tập, học sinh tìm hiểu được sâu hơn các tri thức sinh học cốt lõi, các phương pháp nghiên cứu và ứng dụng sinh học, các nguyên lý và quy trình công nghệ sinh học thông qua các chủ đề: sinh học tế bào; sinh học phân tử; sinh học vi sinh vật; sinh lý thực vật; sinh lý động vật; di truyền học; tiến hoá và sinh thái học.

Trao đổi về bỏ điểm cộng thi nghề trong tuyển sinh vào lớp 10

Tuần qua, nhiều ý kiến từ cơ sở thể hiện đồng tình với dự kiến bỏ điểm cộng thi nghề trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Bộ GD&ĐT. Những lý do được đưa ra là: Hạn chế việc các địa phương tự đặt ra các cuộc thi không thực sự cần thiết; đưa việc dạy nghề phổ thông trong nhà trường trở lại đúng mục đích chứ không phải là mục tiêu “kiếm” thêm điểm trong kỳ thi tuyển sinh; góp phần sàng lọc học sinh trúng tuyển…

Về nội dung này, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT): cho rằng: Việc không giao cho các Sở GD&ĐT quy định đối tượng cộng điểm khuyến khích, trong đó bao gồm cả thi nghề phổ thông nhằm chọn được đúng học sinh có khả năng tiếp tục học ở THPT;

Đồng thời khắc phục hiện tượng làm "đẹp hồ sơ", khiến nhiều học sinh chạy theo điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10, có đăng ký học nghề nhưng thực tế việc học nghề chỉ mang tính hình thức, không thực chất. Việc cộng điểm khuyến khích không phải mục đích của việc dạy học nghề phổ thông…

Dù không còn điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10 nhưng kết quả thi nghề của học sinh THCS vẫn được sử dụng để khuyến khích trong việc xét tốt nghiệp trung học cơ sở theo Quy chế hiện hành tại Quyết định số 11/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/4/2006.

Vinh danh 5 nhà khoa học nữ

Chiều 12/1, tại Viện Hàn Lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, chương trình Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã trao giải thưởng Nhà khoa hoc nữ xuất sắc năm 2017 và học bổng nghiên cứu khoa học cho các nhà nghiên cứu nữ tiềm năng của Việt Nam năm 2017.

Giải thưởng năm 2017 vinh danh 5 nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu và Khoa học Đời sống, gồm: PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài (Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế); TS. Trần Thị Ngọc Dung (Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); TS. Trần Phương Thảo (Trường ĐH Dược Hà Nội); TS. Hoàng Thị Đông Quỳ (Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh); TS. Nguyễn Thị Lệ Thu (Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG TP Hồ Chí Minh).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ