Thông điệp nhân văn từ câu chuyện “Người tù số 78”

GD&TĐ - “Người tù số 78” là một trong những câu chuyện được rút ra từ cuốn sách nổi tiếng “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Đã bao năm tháng trôi qua, “Những tấm lòng cao cả” cùng với những câu chuyện học đường được tác giả ghi chép lại vẫn mãi sống trong lòng nhiều thế hệ từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. “Người tù số 78” là một trong những câu chuyện như vậy.

Thông điệp nhân văn từ câu chuyện “Người tù số 78”

"Một thầy giáo được cử đến dạy học cho những người tù trong một trại giam suốt cả mùa đông.

Đến giảng bài, ông đứng trong một cái phòng hình tròn, chung quanh là tường cao, trơ trụi và vô số cửa sổ con hình vuông có chắn song sắt hình chữ thập.

Mỗi cửa sổ ấy soi sáng một xà lim nhỏ.

Thầy giáo giảng bài, đi đi lại lại trong phòng. Người học đều ở sau các cửa sổ tí ti ấy, vở áp sát vào các song sắt, chỉ để lộ trong bóng tối mờ mờ những bộ mặt gầy gò và lo âu, những bộ râu tóc rối bù lốm đốm hoa râm, những đôi mắt trừng trừng của bọn giết người cướp của.

Trong đám tù, có một người mang số 78 lại chăm chỉ hơn cả. Anh ta luôn nhìn thầy giáo với đôi mắt cung kính và biết ơn. Đó là một người còn trẻ, râu đen, một người khốn khổ hơn là một kẻ hung đồ, một người thợ làm đồ gỗ, trong một cơn tức giận đã ném một cái bào vào đầu chủ xưởng, làm người này chết.

Anh ta bị kết án nhiều năm cầm cố. Trong 3 tháng, người tù ấy đã biết đọc, biết viết.

Một hôm, buổi học sắp xong, anh ta ra hiệu cho thầy giáo lại gần cửa sổ và buồn rầu báo tin là hôm sau anh sẽ chuyển sang nhà giam khác. Anh ta xin được sờ vào bàn tay của thầy. Thầy giáo đưa tay ra, anh ta hôn và nói : “Xin cản ơn, cảm ơn !”.

Từ đó người thầy không thấy người tù đâu nữa, và sáu năm trôi qua.

Bỗng một buổi sáng, thầy thấy một người lạ đến nhà, quần áo xấu xí, râu đen và điểm hoa râm.

- Có phải thầy là thầy giáo... ? Người ấy hỏi.

- Ông là ai ? Thầy giáo hỏi lại.

- Tôi là người tù số 78 mà thầy đã dạy cho biết đọc và biết viết cách đây sáu năm... Giờ tôi đã mãn hạn tù và đến đây xin thầy nhận cho một vật nhỏ mà tôi đã làm ra ở trong tù... Chẳng hay thầy có vui lòng nhận cho... lòng biết ơn của tôi không, thưa thầy ?

Người thầy xúc động đưa bàn tay cầm lấy tặng vật của người tù - học trò cũ ấy. Đó là một lọ mực bằng gỗ, hình như được chạm trổ bằng một cái đinh và phải có một lòng kiên nhẫn ghê gớm mới hoàn thành nổi.

Lọ mực ấy còn có khắc hình một quyển vở, trên có ngòi bút với dòng chữ : “Kính tặng thầy giáo của tôi, kỉ niệm của số 78...!” và ở dưới có thêm hàng chữ nhỏ : “Học tập và hi vọng”.

(Trích “Những tấm lòng cao cả”, NXB Văn học, Hà Nội, 2005, Hoàng Thiếu Sơn dịch)

Câu chuyện chứa đựng nhiều thông điệp nhân văn vô cùng ý nghĩa, trước hết là là giá trị của giáo dục đối với cuộc đời của mỗi con người.

Việc cử người thầy giáo dạy cho đối tượng tù nhân phải chăng nước Ý lúc bấy giờ đã trân trọng quyền học tập của con người. Điều đó được thể hiện mạnh mẽ hơn khi áp dụng trên đối tượng tù nhân - những con người bị tước đoạt sự tự do.

Ở đây, giá trị của sự học đã vượt lên tất cả những yếu tố chính trị và trở thành một trong những quyền thiêng liêng cơ bản, nhân văn có tính phổ quát của nhân loại. Nội dung học tập cũng thật sự giản đơn, vốn chỉ là biết đọc, biết viết.

Một nội dung giáo dục nhỏ nhoi và dành cho đối tượng đặc biệt - bản thân chi tiết này đã ẩn chứa một thông điệp vô cùng lớn lao: sự học của nhân loại dù ở mức độ sơ đẳng nhất cũng có thể đem lại sự cứu rỗi cho số phận và tâm hồn, đem lại niềm tin, hi vọng cho cuộc đời của con người, cứu cánh cho những cuộc đời lầm lỡ. Phải chăng đó cũng chính là giá trị của công tác phổ cập giáo dục thời hiện đại.

- “Người tù số 78” còn đem lại niềm xúc động sâu sắc về về mối quan hệ giữa thầy và trò. Ở câu chuyện, người thầy được cử đến dạy học cho những người tù trong một trại giam suốt cả mùa đông.

Trước những người học trò đặc biệt, người thầy đã dành cho họ sự cảm thông, trìu mến, âu yếm và tận tụy khi giảng bài cũng như đón nhận món quà từ lòng tri ân của người học trò chăm ngoan nhất.

Câu chuyện đã đặc tả cảnh chia tay đầy yêu thương trong buổi học cuối cùng giữa thầy và trò ở phòng giam số 78 qua song sắt. Dù ở bên nhau chỉ một thời gian ngắn ngủi, nhưng tình cảm thầy trò hết sức trong trẻo, thánh thiện như chạm tới những xúc cảm sâu nhất trong tâm hồn.

- Dòng chữ nhỏ trên chiếc lọ mực mà người tù số 78 dâng tặng cho người thầy đáng kính “Học tập và hi vọng !” lại chứa đựng một thông điệp khác nữa. Trước hết, nó mở ra niềm hi vọng trước hết cho chính bản thân của người tù số 78.

Nói một cách khác, người tù này là người đầu tiên cảm nhận được sự tự tin và đánh thức niềm hi vọng của chính mình (chứ không phải ai khác) về tương lai. Điều này càng có sức mạnh, ý nghĩa lớn lao khi đặt nó trong hoàn cảnh: con người ấy là một người tù và anh ta chỉ mới thụ hưởng được thành tựu giáo dục ở những nét chấm phá đầu tiên: biết đọc, biết viết.

Chi tiết ấy khiến người đọc như cứ mong ngóng, tưởng tượng và sống cùng số phận của người tù số 78. Sự mong ngóng ấy không là sự hoài nghi và ngược lại có cái gì đó tin tưởng về sự đổi thay số phận tương lai của một con người sau khi mãn hạn giam cầm.

 Cái hay của thông điệp trên ở chỗ không chỉ gieo niềm hi vọng cho số phận con người nói chung mà còn đối với một con người cụ thể. Ở đây, cái chung và cái riêng hòa quyện đến tuyệt vời. Cái chung được khái quát từ cái riêng, nhưng cái riêng lại giúp người đọc cảm nhận được sự cụ thể, gần gũi và chân thực. Đó cũng chính là giá trị nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm.

- Biết ơn cũng là một giá trị đạo đức hết sức quý giá, góp phần làm nên giá trị tư tưởng và bài học đạo đức của câu chuyện. Người tù đã bày tỏ lòng biết ơn bằng một cách rất đặc biệt: Tự tay làm món quà gửi tặng sau khi mãn hạn tù. Càng ý nghĩa hơn khi để hoàn thành món quà, người học trò đặc biệt ấy phải có sự “kiên nhẫn ghê gớm”.

Bản thân món quà cũng là một sự lựa chọn tinh tế. Một lọ mực - đồ dùng phổ thông của mỗi học sinh. Lời đề tặng như chứa chan sự chân thành dồn hết qua từng nét chữ. “Học tập và hi vọng!” - dòng chữ này xét ở một góc độ nào đó là lời hứa đầy quyết tâm của người học trò gửi đến người thầy - điều mà bất cứ người thầy nào cũng mong muốn nghe được từ chính những học trò thân yêu.

 “Người tù số 78” đã chứa đựng một thông điệp vừa nhân văn, nhưng cũng đồng thời là một chân lí. Nó nói lên quy luật truyền bá nền văn minh nhân loại, về sự học của con người trong bất cứ xã hội nào.

“Học tập và hi vọng!” đã mang giá trị của sự học đi xuyên mọi không gian và thời gian, trở thành một chân lí tuyệt đối. Nó là niềm cổ vũ lớn lao cho tất cả chúng ta khi biết rằng: học tập là một trong những con đường căn bản nhất để nhen nhóm, giữ gìn và thiết lập niềm tin, hi vọng về sự thay đổi số phận con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ