Mấy hôm nay, mưa giá buốt anh Nguyễn Văn Đ (Hưng Yên) đi từ quê lên Hà Nội làm vì chủ quan không đeo găng tay nên bàn tay cứng đờ. Về nhà, hai bàn tay anh xuất hiện những rát đỏ kèm theo tê bì nhẹ.
Ngày hôm sau, tay chuyển sang thâm tím, sưng nề và đau nhức. Anh vội vào viện kiểm tra, các bác sỹ cho biết anh bị bỏng lạnh . Cũng may anh bị ở mức độ nhẹ nên việc điều trị không phức tạp.
Trước đó, báo chí cũng đã đưa tin về một trường hợp hoại tử tay chân vì bỏng lạnh. BV Nhi Thanh Hóa điều trị cho bệnh nhi 5 tuổi, dân tộc Dao, ở Mường Lát trong tình trạng hai bàn chân tím thẫm, sưng nề kèm theo biểu hiện sốt, đau nhức.
Theo gia đình, vì nhà nghèo không có điều kiện mua giầy tất cho cháu đi mùa đông nên vào đợt rét đậm kéo dài cháu thường để chân trần đi chơi và đến trường. Tối về, thấy bàn chân con quá lạnh, gia đình ngâm hai bàn chân vào chậu nước khoảng 40 độ C ngay.
Ngay sau đó, hai bàn chân có hiện tượng tím dần, xuất hiện phỏng nước và đau tăng dần. Vào viện các bác sỹ phải cắt bỏ 5 ngón chân bên trái do hoại tử.
BS Nguyễn Thống – Trưởng Khoa Bỏng (BV Xanh Pôn) cho biết, Khoa cũng đã từng tiếp nhận trường hợp bị bỏng lạnh. Bỏng lạnh tuy ít gặp nhưng nó cũng gây nguy hiểm không kém so với bỏng nhiệt độ cao. Nguyên nhân do nhiệt độ xuống thấp đột ngột hoặc kéo dài, cơ thể hoặc một vùng cơ thể không chịu được nhiệt độ này nên dẫn đến tình trạng bỏng lạnh.
Hay gặp nhất là những người lao động phải làm việc trong thời tiết lạnh giá lâu mà lại không đủ quần áo giữ ấm hoặc quần áo ướt, gió lạnh... hoặc người làm việc trong phòng đông lạnh, trong các kho lạnh, bê hàng đá lạnh...
So với bỏng nhiệt, bỏng lạnh thường diễn biến từ từ. Khi lạnh sẽ làm co mạch, dần dần làm thiếu dinh dưỡng ở những chỗ tổn thương gây phù nề, hoại tử da, chi làm đau đớn. Người tiếp xúc với môi trường lạnh giá trong khoảng thời gian dài mà bị bỏng lạnh thì thân nhiệt bị hạ thấp dẫn tới co giật, hôn mê thậm chí tử vong nếu không kịp thời cấp cứu.
Theo các chuyên gia y tế, bỏng lạnh có nhiều mức độ khác nhau. Cấp độ 1, bệnh nhân tổn thương bề mặt da với triệu chứng ngứa, đau, biến đổi màu sắc sắc da từ trắng sang đỏ và vàng, rối loạn hoặc mất cảm giác nóng lạnh.
Cấp độ 2, vùng da tổn thương cứng lại. Da xuất hiện các bọng nước, trở thành màu đen và cứng, tổn thương này có thể khỏi sau 1 tháng hoặc mất cảm giác nóng lạnh vùng tổn thương.
Ở cấp độ 3 -4 là cấp độ bỏng nặng, vùng da tổn thương nặng nề, các mô sâu, gân, cơ, mạch máu, thần kinh, các khu vực này chuyển sang màu đen và chứa đầy máu, tiến tới hoại tử do thiếu dinh dưỡng, nặng phải tháo khớp dẫn tới cụt các chi.
Theo BS Thống, với tình trạng mưa rét như hiện nay, nguy cơ bị bỏng lạnh là rất cao, nhất là với những người dân sinh sống ở khu vực vùng cao đang chịu ảnh hưởng của mưa tuyết. Để tránh bị bỏng lạnh, trong những ngày giá lạnh, mọi người khi ra ngoài đường cần mặc ấm, đặc biệt chú ý những phần cơ thể phải tiếp xúc nhiều với nhiệt độ thấp như bàn tay, bàn chân… Khi gặp trời mưa phải thay ngay quần áo ướt tránh nhiễm lạnh cơ thể.
Khi mới có những tổn thương, mọi người cần phải nhanh chóng làm ấm tay chân vào chậu nước ấm khoảng 37 độ có pha thêm ít muối cho giãn mạch. Không nên để bệnh nhân tiếp xúc với lửa hay lò sưởi vì có nguy cơ tổn thương nặng nề hơn do bị bỏng kép rất nguy hiểm. Nếu bị sưng tấy, đau buốt lâu, ủ ấm không khỏi phải lập tức đến bác sĩ để tránh bệnh nặng thêm.
Ngoài ra, để chống lại cái rét hiện nay, nhiều gia đình nghĩ đến nhiều phương pháp sưởi ấm khác nhau . Đã có nhiều trường hợp bị tai nạn do dùng máy sưởi, lò than, túi chườm nóng… Để tránh gây nguy hiểm cho bản thân và gia đình, mọi người cần tìm hiểu kỹ cách thức sử dụng những phương pháp này.
Với những bệnh nhân mất cảm giác nóng lạnh không nên dùng túi chườm nóng vì sẽ có nguy cơ gây bỏng. Nếu dùng thì cần có người theo dõi sát sao hoặc để túi cách da một khoảng cách an toàn.