Thời tiết cực đoan thúc đẩy nạn đói toàn cầu

GD&TĐ - Theo báo cáo công bố bởi LHQ, các hiện tượng thời tiết cực đoan là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nạn đói toàn cầu trong năm ngoái với phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất trước xu hướng thời tiết đang ngày càng tệ đi này.

Xung đột và hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp cận thức ăn cho phụ nữ và trẻ em ở Nam Sudan
Xung đột và hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp cận thức ăn cho phụ nữ và trẻ em ở Nam Sudan

Thay đổi đột biến về lượng mưa cũng như nhiệt độ diễn ra một cách thường xuyên, đi kèm với hạn hán, lũ lụt và bão tố đã đẩy số lượng người suy dinh dưỡng trong năm 2017 lên tới con số là 821 triệu người, khoảng 1/9 dân số thế giới.

Theo bản báo cáo thường niên về “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên toàn cầu”, con số này trong năm 2016 là 804 triệu người.

“Số lượng người đói đã tăng lên trong vòng 3 năm qua, với tỉ lệ người đói còn vượt mức so với thời điểm khoảng gần 1 thập kỷ trước. Điều đáng lo ngại tương tự là có đến 22,2% trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu bị liệt vào diện còi cọc trong năm 2017” - trích bản báo cáo.

Các quốc gia có thu nhập trung bình thấp bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan hơn bao giờ hết. Điển hình là khu vực châu Phi, với 59 triệu người từ 24 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề và đòi hỏi các hành động cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.

“Nếu chúng ta muốn đạt được 1 thế giới không có đói nghèo và suy dinh dưỡng hoàn toàn trong năm 2030, chúng ta cần tăng tốc và tăng cường các hành động thúc đẩy năng lực chống chịu và thích nghi của hệ thống lương thực cũng như sinh kế của người dân để ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Trong khi lũ lụt, hạn hán và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác vẫn luôn xảy ra mỗi năm, các nhà khoa học cho biết sự nóng lên toàn cầu đang thúc đẩy tần suất và mức độ nghiêm trọng của chúng.

Tại các quốc gia còn đang chìm trong xung đột, tác động của thời tiết lên an ninh lương thực còn mạnh mẽ hơn. Gần 66 triệu người trên toàn cầu cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp trong năm ngoái. Syria, nơi mà nông nghiệp là một trong số ít những ngành còn sống sót sau 7 năm chiến tranh đã có một vụ thu hoạch bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và nhiệt độ cao đột biến.

Đã bị giảm xuống 40% so với sản lượng trước thời kỳ xung đột - từ 4 triệu tấn xuống còn 2,5 triệu tấn, sản lượng ngũ cốc của Syria sẽ còn tiếp tục giảm mạnh trong năm nay, theo Giám đốc Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm LHQ Dominique Burgeon cho biết.

Vấn đề tại Yemen còn tồi tệ hơn, với 35% dân số rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng và trở thành quốc gia có cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất ngày nay.

LHQ cũng nhận ra rằng, phụ nữ trên toàn cầu dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, đặc biệt ở những quốc gia mà sự bình đẳng về nam nữ vẫn còn là mơ giấc mơ xa vời. Điều này là bởi vì họ thường không có khả năng tiếp cận tới của cải, đất đai, giáo dục và y tế.

Ở Ấn Độ, nguồn lực hạn chế kết hợp với sự bất bình đẳng giới đã ăn sâu vào quan niệm của người dân khiến các gia đình nghèo sẽ thiên vị bữa ăn cho bé trai hơn bé gái.

Tỉ lệ tử vong, tiêu chảy cũng tăng cao khi lũ lụt cướp đi nguồn nước sạch để uống và vệ sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ