Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc

GD&TĐ - Liên quan đến quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đối với tài sản do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rất cụ thể các biện pháp tịch thu sung công hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) hiện hành và dự thảo Luật cũng đã quy định tịch thu đối với tài sản do tham nhũng mà có.

Riêng đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì đến nay, pháp luật chưa có quy định để xử lý, trong khi đó, không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp.

Nghị quyết của Đảng yêu cầu đẩy mạnh công tác thu hồi tài sản trong PCTN, nâng cao tính gương mẫu của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn trong minh bạch tài sản, thu nhập.

Đồng thời, thực tiễn xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thời gian qua cho thấy, một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn và giải trình không hợp lý về nguồn gốc nhưng cũng chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản này đã gây nghi ngờ trong dư luận.

Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng khuyến nghị việc nội luật hóa hành vi làm giàu bất chính và nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng các cách thức khác nhau để xử lý đối với loại tài sản này.

Do đó, để tạo bước tiến mới và nâng cao hiệu quả trong công tác PCTN, phù hợp với xu thế chung của quốc tế, đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, quy định trong dự thảo Luật việc xử lý đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Về quan điểm xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, UBTVQH nhận thấy, đặc điểm xã hội nước ta là người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức hình thành từ các nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức) và trong khi nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc số tiền để mua tài sản, chưa quy định đánh thuế đối với một số loại tài sản… Đây cũng là vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân.

Trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để xử lý là rất phức tạp. Do đó, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cần được cân nhắc thận trọng, có bước đi, cách làm phù hợp để đáp ứng yêu cầu đấu tranh PCTN, đồng thời bảo đảm sự hài hòa cả về tính pháp lý, chính trị và thực tiễn xã hội của nước ta.

Đồng thời, để có cơ sở trong việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật đã bổ sung giải thích cụm từ Tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là: tài sản, thu nhập tăng thêm so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không có căn cứ pháp luật về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ