Xử lý chất thải rắn: Loay hoay đến bao giờ?

GD&TĐ - Khối lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh ngày càng tăng cao kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở xử lý và bãi chôn lấp quá tải. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm lời giải cho bài toán này.

Hiện các cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm lời giải cho bài toán xử lý CTR
Hiện các cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm lời giải cho bài toán xử lý CTR

Đẩy mạnh xã hội hoá

Khác với các hàng hoá thông thường, dịch vụ quản lý CTR đô thị là một loại hàng hoá công. Do đó, cấu trúc thị trường này có những điểm đặc biệt cần lưu ý. Cả lý thuyết và thực tế ở nhiều nước cho thấy cấu trúc thị trường này cần có một mức độ tập trung phù hợp với số ít các doanh nghiệp (DN) tham gia. Nhà nước không trực tiếp cung cấp dịch vụ cho thị trường này, mà chỉ đóng vai trò tạo cơ chế bình đẳng, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của bên cung ứng.

Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên Hiêp Quốc (UNEP) về một số nước ở châu Á, cho thấy sự khác nhau giữa quy trình quản lý CTR ở các nước và khu vực phát triển như Singapore, EU... và các nước đang phát triển. Nếu như ở các nước phát triển, phế liệu được thu gom bởi công ty thu gom CTR tại một khu vực, thì tại các nước đang phát triển (Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines…) loại rác này được bộ phận đồng nát thu gom và bán cho các làng nghề tái chế.

Tại các thành phố thuộc các nước phát triển, hầu hết dịch vụ thu gom CTR được thực hiện bởi công ty tư nhân, thông qua các hợp đồng thu gom dài hạn. Chẳng hạn, tại thành phố Adalaide của Australia, 70% dân số được thu gom rác ở các công ty tư nhân ký hợp đồng với chính quyền địa phương và 30% do công ty nhà nước.

Còn ở Singapore, phân đoạn thu gom - vận chuyển CTR được đảm trách bởi 4 DN tư nhân. Các công ty tư nhân đóng vai trò là người cung cấp dịch vụ quản lý CTR cho người dân, DN và chính quyền được cung cấp dịch vụ thu gom CTR với thời hạn hợp đồng là 7 năm thông qua đấu thầu công khai. Người dân Singapore phải trả toàn bộ chi phí để quản lý CTR đô thị.

Ở các nước đang phát triển, các DN Nhà nước vẫn đóng vai trò chi phối trong thu gom CTR, tuy vậy, sự tham gia của các DN tư nhân cũng vô cùng mạnh mẽ. Để nâng cao hoạt động xử lý CTR, các khu xử lý CTR trên thế giới được khuyến khích xây dựng dựa trên hợp đồng công tư, hợp đồng với các DN tư nhân thực hiện xử lý CTR dài hạn.

So sánh mức phí thu gom CTR của các thành phố trực thuộc T.Ư của Việt Nam với mức phí thu bình quân của các nước do Chương trình Nhân cư Liên Hiêp Quốc (UN-HABITAT) khảo sát, cho thấy mức phí ở các đô thị Việt Nam còn rất thấp, chỉ chiếm từ 0,1 - 0,2% mức thu nhập trung bình của hộ. Mức điều chỉnh phí thu gom cũng rất chậm.

Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với mức phí của các thành phố khác trên thế giới. Ví dụ, San Francisco (Mỹ) là 1,43%; Côn Minh (Trung Quốc) là 1%, Dhaka (Bangladesh) là 2%. Mức trung bình là 0,98%.

Cần một chính sách phù hợp

Bên cạnh đó, các DN tư nhân, DN Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực xử lý CTR cũng gặp khó khăn ở đủ mọi khâu từ thu gom, vận chuyển cho đến xử lý. Về thu gom CTR, đây là phân đoạn gây rào cản gia nhập ngành khá cao do tính truyền thống và rào cản kỹ thuật.

Các DN thực hiện thu gom trên các khu vực nhỏ theo quận/huyện không có lợi thế nhờ quy mô. Nguồn thu từ phí thu gom CTR sinh hoạt không đủ bù đắp chi phí, các DN rất khó có khả năng đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại.

Ở phân đoạn vận chuyển, thị trường vận chuyển CTR có tính độc quyền nhóm khá cao và rất khó để các DN mới có thể tham gia vào. Tương tự ở phân đoạn xử lý CTR đô thị, số lượng DN tham gia phân đoạn này khá ít, tạo ra thị trường độc quyền nhóm...

Bởi vậy, theo các chuyên gia, nhất thiết phải đẩy mạnh xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý CTR; tăng dần nguồn thu phí vệ sinh, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTR.

Hiện tại, các DN Nhà nước hoặc chính quyền đô thị thường đầu tư và vận hành các bãi rác hở và chôn lấp, chưa có sự minh bạch trong cách tính chi phí thực tế và tính vệ sinh nên có thể gây lãng phí ngân sách.

Khu xử lý CTR theo các phương pháp đốt, làm phân và chôn lấp hợp vệ sinh đang bắt đầu được triển khai ở một số đô thị, được vận hành với khu vực tư nhân. Tuy nhiên, các DN này đang gặp phải những rào cản về lượng CTR xử lý rất thấp, không tận dụng được lợi thế quy mô khiến chi phí tăng cao.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT, từ năm 2008 đến nay, khoảng 42 - 46% lượng CTR phát sinh từ các đô thị, 17% đến từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, số còn lại là của nông thôn, làng nghề và y tế. Dự báo tỷ trọng này sẽ còn tiếp tục tăng lên, đối với CTR đô thị là 50,8%, CTR công nghiệp là 22,1%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.