Xóa bỏ lao động trẻ em: Cần sự hợp tác từ nhiều phía

LĐTE là vấn đề cần có sự quan tâm hơn của toàn xã hội
LĐTE là vấn đề cần có sự quan tâm hơn của toàn xã hội

Chấm dứt các hình thức lao động nặng nhọc, nguy hiểm

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), không phải mọi hình thức lao động của trẻ em đều được coi là LĐTE. Trong bối cảnh của Việt Nam, kinh tế hộ gia đình còn chiếm tỷ trọng lớn, thị trường lao động chưa phát triển, trẻ em trong những lứa tuổi nhất định có thể tham gia làm một số công việc với lượng thời gian nhất định mà không ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng sức khỏe, học tập và sự phát triển.

Tuy vậy, một bộ phận trẻ em đã và đang tham gia vào những công việc có thời gian kéo dài, các công việc có nguy cơ thuộc nhóm nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển và cơ hội học tập của trẻ. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp phòng ngừa, can thiệp để bảo vệ, tạo môi trường lành mạnh cho mọi trẻ em phát triển toàn diện. Theo Báo cáo Khảo sát quốc gia về LĐTE năm 2012 tại Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH, ILO và Tổng cục Thống kê thực hiện, có 1,75 triệu LĐTE, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em. Trong số LĐTE chỉ có 45,2% hiện vẫn còn tiếp tục đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học.

Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu phát triển bền vững với 17 mục tiêu trong đó có mục tiêu 8.7 nhằm xoá bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, buôn bán người và xóa bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất. Các hình thức ấy bao gồm cả tuyển dụng, sử dụng trẻ em làm binh lính và đến năm 2025 chấm dứt toàn bộ các hình thức LĐTE.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, để giải quyết vấn đề LĐTE, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại cần có sự tham gia tích cực, sự liên minh, liên kết chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình, cộng đồng.

Tăng cường hỗ trợ và hợp tác

Theo ước tính của ILO hiện có khoảng 152 triệu LĐTE. Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp; cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em, làm mất đi các quyền của trẻ và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai. Hỗ trợ cho các nước trong việc thực hiện mục tiêu xóa bỏ LĐTE, hiện nay Liên minh 8.7 đã được hình thành là đối tác toàn cầu cam kết thúc đẩy hành động dựa trên sáng kiến, tạo kiến thức và sử dụng nguồn lực hiệu quả, tập hợp đối tác ở tất cả các cấp.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Việt Nam đang triển khai xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2019 - 2025 để thực hiện mục tiêu 8.7, trong đó tập trung vào giải quyết vấn đề phòng ngừa LĐTE trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, kinh tế và chuỗi cung ứng, di cư buôn bán trẻ em, LĐTE liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

Liên minh toàn cầu nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, nô lệ thời hiện đại, buôn bán người và LĐTE, hay còn gọi là Liên minh 8.7 được khởi động từ năm 2016 với mục đích hỗ trợ các quốc gia hoàn thành điều 7 trong Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8: Một thế giới không còn lao động cưỡng bức, nô lệ thời hiện đại, buôn bán người và LĐTE dưới mọi hình thức. 

Cụ thể, tổ chức Diễn đàn Quốc gia về LĐTE và doanh nghiệp có sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhãn hàng lớn; Thiết lập hệ thống giám sát LĐTE. Cung cấp các cơ hội làm kinh tế và lợi ích xã hội cho các gia đình của LĐTE có nhu cầu; Cơ hội làm việc hợp pháp, thỏa đáng cho trẻ vị thành niên không đi học và đang làm việc trong các chuỗi giá trị. Nâng cao nhận thức bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội vào cả khu vực tư nhân và công chúng để thông báo và chia sẻ thông tin về LĐTE.

Tăng cường hợp tác giữa các ngành GD-ĐT, LĐ-TB&XH, Công an và các tổ chức xã hội trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE; phòng chống buôn bán trẻ em từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh, huyện và địa phương. Nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo nghề, thông qua việc rà soát và sửa đổi chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu thị trường, đồng thời phát triển mô hình kinh tế cho các gia đình nghèo...

Các cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi, cập nhật và hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm các định nghĩa rõ ràng về LĐTE, các hình thức LĐTE tồi tệ nhất, lao động cưỡng bức và quy định rõ ràng hơn về công việc bị cấm đối với trẻ em tham gia nông nghiệp ở các nhóm tuổi khác nhau cũng như giờ làm việc được phép cho từng nhóm trẻ em.Liên minh toàn cầu nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, nô lệ thời hiện đại, buôn bán người và LĐTE, hay còn gọi là Liên minh 8.7 được khởi động từ năm 2016 với mục đích hỗ trợ các quốc gia hoàn thành điều 7 trong Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8: Một thế giới không còn lao động cưỡng bức, nô lệ thời hiện đại, buôn bán người và LĐTE dưới mọi hình thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ