Xem xét nhiều vấn đề “nóng”

GD&TĐ - Sáng 20/5, Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên khai mạc.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XIV
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XIV

Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế thay mặt các cơ quan của Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019; Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước và báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV.

Kinh tế, xã hội đạt và vượt các chỉ tiêu

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019 của Chính phủ khẳng định, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình KT - XH quý IV đã chuyển biến tích cực, góp phần mang lại kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của năm 2018 - năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2016 - 2020. “Chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Cụ thể là, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 45,2% (bình quân 3 năm 2016 - 2018 là 43,29%, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra là 30 - 35%); năng suất lao động tăng gần 6%; hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng (chỉ số ICOR giảm từ 6,42 năm 2016 còn 5,97 năm 2018)…

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được triển khai quyết liệt; xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, dư luận xã hội quan tâm, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XIV
  • Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XIV

Yêu cầu đánh giá toàn diện về giá xăng, điện

Trong báo cáo tình hình KT-XH, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, các cơ quan chức năng đang “thanh tra, làm rõ việc tăng giá điện, phương pháp tính và thu tiền điện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật”.

Báo cáo thẩm tra liên quan đến Tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2019 trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XIV Ủy ban Kinh tế ghi nhận: Trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, ngay từ đầu năm Chính phủ đã tích cực triển khai cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, đề án cụ thể, nhờ đó 4 tháng đầu năm vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018, tốc độ tăng trưởng đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát... Thu NSNN đạt kết quả tích cực, chi NSNN cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Tuy nhiên, về chỉ số giá tiêu dùng, giá dịch vụ công tiếp tục được điều chỉnh và giá thực phẩm có khả năng tăng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị: “Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động đối với CPI và các mặt kinh tế, xã hội”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần tăng cường dự báo, phân tích các diễn biến, đánh giá đầy đủ rủi ro bên ngoài, hạn chế nội tại của nền kinh tế và cảnh báo, đưa ra phương án dự phòng, điều chỉnh phù hợp tránh gây bất ổn kinh tế.

Hơn 3.500 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Theo đó, từ sau Kỳ họp thứ Sáu đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với UBTVQH đã tổng hợp được 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Cử tri, nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: An toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; xuất hiện một số hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong nhân dân; tình hình mua bán, vận chuyển ma túy rất phức tạp; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ nghiêm trọng; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng trong thời gian qua đã có ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh; tình hình khiếu nại, tố cáo còn bức xúc ở một số địa phương…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...