Xác định rõ trách nhiệm trước thực trạng ô nhiễm ở các làng nghề

Xác định rõ trách nhiệm trước thực trạng ô nhiễm ở các làng nghề

(GD&TD) - Ngày hôm nay (7-11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về  thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Muốn phát triển bền vững phải đặc biệt chú ý đến môi trường (ảnh MH)
Muốn phát triển bền vững phải đặc biệt chú ý đến môi trường (ảnh MH)

Buổi sáng, Quốc hội đã nghe ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề

Báo cáo cho biết, hiện nay ở nước ta có 3 loại hình Khu kinh tế: Khu kinh tế ven biển, Khu kinh tế cửa khẩu và Khu kinh tế quốc phòng. Đợt giám sát này tập trung vào 15 Khu kinh tế ven biển đã được Thủ tướng quyết định thành lập cho đến năm 2010.

Qua giám sát, có thể thấy việc xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường ở hầu hết các Khu kinh tế hiện nay là rất chậm. Với sự phát triển của các Khu kinh tế trong tương lai thì nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ là tất yếu, đến lúc đó việc xử lý ô nhiễm sẽ rất tốn kém và vô cùng khó khăn.

Đoàn giám sát đã yêu cầu Chính phủ có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt vấn đề này. Về làng nghề, Báo cáo nhìn nhận, ô nhiễm môi trường làng nghề là một trong những thách thức lớn và rất khó kiểm soát, khó quy hoạch và chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Nhiều làng nghề rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, tỷ lệ người mắc bệnh có xu hướng tăng cao.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng lo ngại của môi trường Khu kinh tế, làng nghề hiện nay, theo bản Báo cáo, là do những bất cập trong mô hình Ban Quản lý các Khu kinh tế – một cấp quản lý được UBND cấp tỉnh ủy quyền với nhiều chức năng quản lý nhà nước. Báo cáo kiến nghị, tới đây cần nghiên cứu điều chỉnh các quy định về chức năng quản lý nhà nước của Ban Quản lý Khu kinh tế phù hợp với hệ thống phân cấp quản lý nhà nước hiện hành, hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Ban Quản lý Khu kinh tế phù hợp với pháp luật hiện hành về thanh tra, xử lý vi phạm hành chính.

Về làng nghề, các nội dung kiến nghị bao gồm tăng cường quản lý nhà nước (nên chăng tập trung quản lý làng nghề vào một đầu mối thống nhất); có chính sách đầu tư phát triển phù hợp; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của làng nghề truyền thống, tăng cường xúc tiến thương mại, thu hút du lịch, giảm dần hoạt động gia công. Trước mắt, cần xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

Đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo giám sát, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) nhấn mạnh nguyên nhân từ năng lực cán bộ quản lý Khu kinh tế, làng nghề còn non kém, việc xử lý vi phạm còn nương tay. Đại biểu yêu cầu sửa các thông tư liên quan trong khi chờ sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường 2005.

Một mặt ghi nhận những đóng góp của các Khu kinh tế, làng nghề, mặt khác, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) bày tỏ nỗi lo lắng về thực trạng môi trường của các Khu kinh tế, làng nghề, khi “việc đấu tranh với các đối tượng vi phạm thường chỉ quyết liệt theo vụ việc”. Đại biểu đề nghị tăng kinh phí cho bảo vệ môi trường lên 2% ngân sách và tán thành với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị, Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ xây dựng khu xử lý môi trường, kết cấu hạ tầng nông thôn, giá thuê đất, có chính sách áp dụng công nghệ sạch, tăng chi phí bảo vệ môi trường từ 1% lên 2% , bên cạnh đó cần tăng cường công tác đào tào, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, tích cực đẩy mạnh giám sát, có giải pháp tích cực hỗ trợ làng nghề.

ĐBQH Ly Kiều Vân (Quảng Trị) đề xuất tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra về ô nhiễm môi trường; chú trọng quy hoạch phát triển khu khu kinh tế, làng nghề bảo đảm tính khoa học, tránh tràn lan; thẩm định đánh giá tác động về ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nhằm bảo vệ môi trường.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) kiến nghị, nếu các khu kinh tế chưa có hệ thống xử lý chất thải, cần theo dõi, đánh giá và cương quyết không cho hoạt động, mỗi khu kinh tế cần có khu  thu gom, quy trình tái sử dụng nhất là nguồn nước, đối với chất thải rắn nguy hại, tăng cường hiệu quả xử lý mạnh các doanh nghiệp vi phạm…

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật quan trắc, đánh giá ô nhiễm môi trường. Ông Tiến cho rằng việc đánh giá hiện nay chưa toàn diện, do đó chưa phản ánh được chính xác hiện trạng môi trường. “Cần có những quy chuẩn khác nhau khi đánh giá tác động môi trường của từng nhóm ngành nghề trong Khu kinh tế, từng lĩnh vực hoạt động khác nhau của các làng nghề, cụ thể như về thời điểm lấy mẫu, phương pháp bảo quản mẫu chuẩn, các chỉ tiêu cần đánh giá. Lấy mẫu từ 54 làng nghề (bằng trên 1,6% tổng số làng nghề) để phân tích thì chưa thể có bức tranh toàn diện về môi trường làng nghề được”, ông Tiến nhận xét thẳng thắn.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng ở rất nhiều làng nghề là một thực trạng hiển nhiên. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nói, theo quan sát của bà, nước thải ở làng giấy Phong Khê (Bắc Ninh) đặc quánh đến như có thể đi qua được! Hệ lụy của tình trạng ô nhiễm này là tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến môi trường gia tăng trông thấy, ngày càng xuất hiện nhiều “bệnh lạ”. Công nghệ trong làng nghề rất lạc hậu, ô nhiễm không tránh được". Bà kể: "Tôi về làng nghề Đa Hội cùng một người bạn nước ngoài, khi thấy công nghệ sản xuất thép ở đây, người bạn này nói, công nghệ sản xuất giống thời thế kỷ 16-17 ở nước họ (!). Chưa biết nhận xét này chính xác đến đâu, nhưng rõ ràng chúng ta không thể không xem xét”.

Bà An cũng nêu kiến nghị, với những làng nghề quá ô nhiễm, khó có thể khắc phục, nhà nước cần giải quyết dứt điểm và có sự hỗ trợ cho các hộ dân ổn định cuộc sống, chuyển đổi nghề nghiệp. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Đặng Thành Tâm (TPHCM). Ông Tâm cảnh báo: “Đã là ô nhiễm thì cần được xử lý công bằng như nhau, không thể nói vì là làng nghề nên nhẹ tay. Có thể có những doanh nghiệp “ẩn” sản xuất ô nhiễm của mình vào làng nghề và kiếm lợi nhuận bất chính từ việc tránh được nghĩa vụ về môi trường”. Đại biểu Tâm nhắc thêm: “Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ tập trung vào nước thải và có một phần nội dung về chất thải rắn, nhưng chưa đề cập đến ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn”.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ nên đã có nhiều khu ô nhiễm, các quy định về khu kinh tế, khu công nghiệp mặc dù đầy đủ nhưng triển khai chưa nghiêm, hiện nay nguyên liệu cho các ngành luyện kim mới đáp ứng được khoảng 30%. Đại biểu đề nghị các bộ, ngành đánh giá và đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể, nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho việc phát triển tại các khu kinh tế và phân biệt rõ phế loại của từng loại để xử lý ô nhiễm môi trường.

Đại biểu Lê Minh Thông (Đoàn đại biểu Thanh Hóa): Vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề đặc biệt quan trọng. Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định phát triển kinh tế nhanh chóng nhưng phải bền vững. Mà muốn phát biển bền vững thì phải chú trọng đến môi trường. Theo đại biểu này, muốn khắc phục tận gốc tình trạng ô nhiễm môi trường thì phải khắc phục công nghệ lạc hậu, cũ kỹ bằng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách làng nghề, cần bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, xây dựng thương hiệu riêng của các làng nghề truyền thống. Do đó, Bộ Tài nguyên- Môi trường cần hỗ trợ kinh phí cho các làng nghề tại tại một số địa phương còn khó khăn để xử lý ô nhiễm môi trường. Trong phát triển làng nghề cần lựa chọn theo quy hoạch phát triển vùng, quan tâm đến tính truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền; ưu đãi chiều sâu cho làng nghề; quy hoạch làng nghề phải gắn với phát triển du lịch; lựa chọn và quy hoạch định hướng các làng nghề để bảo vệ môi trường.

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.