Việt Nam vẫn đối mặt nguy cơ Covid-19 quay lại

GD&TĐ - Theo quyền Bộ trưởng Y tế, người nhập cảnh và người mang mầm bệnh trong cộng đồng được cho là 2 nguy cơ lớn. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xuất hiện tại Việt Nam vẫn luôn hiện hữu.

TS Takeshi Kasai - Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương phát biểu tại kỳ họp trực tuyến. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
TS Takeshi Kasai - Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương phát biểu tại kỳ họp trực tuyến. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Nguy cơ hiện hữu

Mới đây, quyền Bộ trưởng Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long cảnh báo, nguy cơ Covid-19 lây lan vẫn luôn thường trực. Đặc biệt là khi nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam sắp bước vào mùa đông.

Lãnh đạo ngành y tế phân tích, hai nguy cơ lớn nhất là từ người nhập cảnh (trái phép, hợp pháp) và người mang mầm bệnh trong cộng đồng. Theo quyền Bộ trưởng, Việt Nam kiên định với các giải pháp phòng, chống dịch theo 5 nguyên tắc là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch sớm nhất có thể.

Bộ trưởng Long nhấn mạnh, hai trọng tâm cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới là công tác quản lý, cách ly người nhập cảnh và phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế.

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn cách ly đối với các nhóm người nhập cảnh hợp pháp. Cụ thể, những người này sẽ cách ly dưới 14 ngày. Các chuyên gia, lao động kỹ thuật người nước ngoài có kết quả âm tính với Covid-19 từ 3 - 5 ngày trước khi nhập cảnh vào Việt Nam không cần cách ly tập trung.

Bên cạnh đó, những người này tiếp tục được xét nghiệm sau khi nhập cảnh và xét nghiệm định kỳ. Bộ Y tế cũng yêu cầu nhóm người trên thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. 

Các chuyên gia, lao động kỹ thuật người nước ngoài sẽ cách ly tập trung 7 ngày, nếu âm tính với Covid-19 trước khi nhập cảnh vào Việt Nam từ 3 - 5 ngày. Sau đó, những người này tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày. Họ được xét nghiệm lần 1 vào ngày đầu nhập cảnh, lần thứ 2 vào ngày thứ 6 hoặc 7. Nếu tiếp tục có kết quả âm tính, những người này được cách ly tại nhà và xét nghiệm lần 3 vào ngày thứ 14.

Các trường hợp nhập cảnh khác chưa có hướng dẫn vẫn thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Việc thu phí cách ly thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác phân luồng người nhập cảnh được thực hiện tại cửa khẩu, vận chuyển an toàn về địa điểm cách ly. Tất cả người nhập cảnh phải khai báo y tế điện tử bắt buộc và cập nhập nhật tình trạng sức khoẻ hằng ngày với cơ quan chức năng.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị tiếp tục tăng cường năng lực cung ứng các sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh. Ngoài ra, cần khẩn trương nghiên cứu, sản xuất các sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp với độ chính xác cao. 

Phát biểu về việc phòng, chống Covid-19 tại cơ sở y tế, quyền Bộ trưởng nhấn mạnh, người đứng đầu sẽ bị tạm đình chỉ công tác nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.

“Chúng ta càng xét nghiệm nhanh thì khoanh vùng càng hiệu quả. Đây là bài học rút ra từ Đà Nẵng”, Bộ trưởng Long nhấn mạnh.

Tiếp tục “chống dịch như chống giặc”

Vừa qua, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã tham dự Kỳ họp trực tuyến lần thứ 71 Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO (RCM-71) về Covid-19 và các vấn đề ưu tiên khác trong khu vực. 

Phát biểu tại kỳ họp, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã biểu dương những nỗ lực chống dịch ở khu vực.

“Đại dịch đã làm đảo lộn các hệ thống y tế, nền kinh tế và xã hội của chúng ta. Covid-19 bắt nguồn từ Tây Thái Bình Dương, nhưng tới nay, khu vực này ghi nhận số ca mắc và tử vong thấp nhất. Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Nhiều nước ở Tây Thái Bình Dương là ví dụ về tầm quan trọng lâu dài của việc đầu tư vào khả năng sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp”.

Cũng theo ông Tedors, thời gian qua, nhiều nước đã đạt được kết quả tích tực trong việc ngăn ngừa dịch bệnh lây nhiễm, hạn chế thương vong. Tuy nhiên, lãnh đạo WHO cảnh báo, người dân và chính phủ các quốc gia cần nâng cao cảnh giác, bởi virus đang lây truyền, biến đổi.

TS Takeshi Kasai - Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cho biết: “Covid-19 là thách thức y tế lớn nhất chúng ta từng đối mặt trong vòng 100 năm qua.

Dịch bệnh thử thách không chỉ năng lực của các hệ thống y tế, mà còn khả năng thích nghi phục hồi của nền kinh tế và cộng đồng xã hội. Trong thời điểm khó khăn này, các quốc gia đã cùng nhau hợp tác và đoàn kết. Cần nhận thức rằng, không một quốc gia nào trong khu vực an toàn cho tới khi mỗi quốc gia đều an toàn”.

Cũng theo TS Kasai, WHO đã cung cấp gần 7 triệu khẩu trang, hơn 1 triệu máy thở, gần 370 nghìn xét nghiệm chẩn đoán trên khắp khu vực. WHO đã phối hợp nghiên cứu và phát triển với sự tham gia của các nước trong khu vực tham gia vào chương trình thử nghiệm chung mang tên WHO Solidarity Trial (Thử nghiệm đoàn kết của WHO).

Về vấn đề vắc-xin phòng Covid-19, WHO khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác. Nhờ đó, bảo đảm phân phối vắc-xin công bằng, đưa cuộc sống trở lại bình thường ở khu vực.

GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, Covid-19 đang ảnh hưởng tới các quốc gia trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tới nay, Việt Nam đã thành công khống chế đại dịch. Ngoài ra, trên 90% số ca mắc Covid-19 ở nước ta đã hồi phục.

Hơn 1 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành y tế nhấn mạnh, việc cảnh giác cao độ trước Covid-19 với phương châm “chống dịch như chống giặc” vẫn là yếu tố quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ