Việt Nam sẽ triển khai hộ chiếu vắc-xin thế nào?

GD&TĐ - Khi đã tiêm vắc-xin, khả năng nhiễm và lây bệnh Covid-19 sẽ giảm nhiều. Hộ chiếu vắc-xin sẽ giúp việc đi lại của người dân thuận lợi hơn. Tuy vậy, việc phòng ngừa Covid-19 theo quy tắc 5K vẫn là điều thiết yếu.

Người có hộ chiếu vắc-xin có thể không phải cách ly khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Người có hộ chiếu vắc-xin có thể không phải cách ly khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Sớm triển khai hộ chiếu vắc-xin

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, khi đi tiêm chủng, người dân phải tải ứng dụng hồ sơ điện tử, khai báo lại thông tin cần thiết. Cơ sở y tế quét mã QR-code thay vì thực hiện thao tác trên giấy, cũng như thông tin cho người dân về vắc-xin, điều khoản tiêm chủng… Sau đó, người dân được khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm và hoàn thành quy trình tiêm.

Sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, người dân được cấp chứng nhận và mã QR-Code xác nhận. Bên cạnh đó, nhân viên y tế có thể cập nhật kết quả cho người trong diện tiêm chủng. Cơ quan quản lý nắm bắt thông tin số liệu, nhằm phục vụ việc triển khai chương trình tiêm vắc-xin Covid-19 và được cung cấp công cụ giám sát thông tin người dân đã tiêm vắc-xin Covid-19.

Đối với người nước ngoài, đại diện các bộ ngành, nhà mạng di động lớn cho biết, hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được hoàn thiện và sẵn sàng triển khai từ tháng 4/2021.

“Hệ thống kỹ thuật phải tính đến những trường hợp phức tạp nhất, sẵn sàng để triển khai ngay sau khi có chính sách cụ thể về visa vắc-xin”, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.

Về chính sách, hướng dẫn cụ thể, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các cơ quan y tế nước ngoài. Nhờ đó, giúp Việt Nam có thể sớm tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện cho giao thương, đi lại thuận lợi cho những người đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở các nước.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, hộ chiếu vắc-xin cũng tương tự việc yêu cầu xét nghiệm, cách ly trước và sau khi nhập cảnh. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, trong thời gian chưa đủ độ phủ vắc-xin, việc tiếp tục phòng bệnh và tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế là điều cần thiết.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) cho rằng, Việt Nam đã thành công trong việc cách ly và khoanh vùng ngay khi phát hiện ca mắc Covid-19 mới. Theo chuyên gia này, hộ chiếu vắc-xin là một điều hiển nhiên và các quốc gia trên thế giới sẽ làm như vậy.

“Khi đã tiêm vắc-xin, khả năng nhiễm và lây bệnh sẽ giảm rất nhiều. Hộ chiếu vắc-xin sẽ giúp việc đi lại đặc biệt trong những nước đã tiêm phòng thuận lợi hơn”, chuyên gia cho biết.

PGS Huỳnh cũng nhận định, những người có hộ chiếu vắc-xin từ quốc tế khi nhập cảnh Việt Nam có thể sẽ không phải cách ly. Hoặc thời gian cách ly ngắn hơn rất nhiều so với trước.

Ghi nhận phản ứng thông thường sau tiêm

Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR), tính đến 16 giờ ngày 21/3, có 33.891 người đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Những người này đều là cán bộ quản lý, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

16 tỉnh, thành phố đã tiến hành tiêm chủng như sau: Hải Dương 16.635 người, Hà Nội 6.360 người, Hải Phòng 205 người, Hưng Yên 2.571 người, Bắc Ninh 2.233 người, Bắc Giang 2.642 người, Hòa Bình 887 người, Hà Giang 176 người, Điện Biên 115 người, Đà Nẵng 117 người, Khánh Hòa 105 người, Gia Lai 200 người, TPHCM 916 người, Bà Rịa Vũng Tàu 87 người, Bình Dương 398 người, Long An 224 người.

Dự án TCMR tiếp tục ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên, hầu hết đó đều là phản ứng thông thường. Hiện tượng này cho thấy, cơ thể đang tạo ra miễn dịch sau khi tiêm vắc xin để phòng bệnh. Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm là hiếm gặp.

Tuy nhiên, người đi tiêm chủng cần nắm được các dấu hiệu bất thường cũng như bệnh viện cần đến theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Trường hợp gặp phản ứng thông thường nhưng diễn biến nặng lên cũng cần đến cơ sở y tế sớm. Bộ Y tế khuyến cáo, sau khi tiêm vắc xin Covid-19, người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện đầy đủ thông điệp 5K phòng, chống dịch Covid-19.

Tới nay, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam về cơ bản đã được kiểm soát. Hải Dương bước sang ngày thứ 4 liên tiếp không có ca mắc mới. 10 tỉnh, thành phố hơn một tháng không ghi nhận trường hợp mới mắc trong cộng đồng, bao gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TPHCM. Tính đến ngày 22/3, Hà Nội đã tròn 34 ngày không có ca mắc mới, Hải Phòng đã qua 26 ngày.

Tổng ca mắc tích lũy từ đầu dịch đến nay là 2.572. Trong đó, số người khỏi bệnh là 2.198. Số trường hợp tử vong do Covid-19 là 35, với 4 người tử vong sau 3 - 4 lần xét nghiệm âm tính. Tới nay, hầu hết các bệnh nhân còn lại sức khỏe ổn định. Trong đó, có 37 người xét nghiệm âm tính lần một, 18 người âm tính lần hai và 63 người âm tính lần ba.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.