Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Làng trẻ em SOS quốc tế

GD&TĐ - Chiều 9/1, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp đại diện tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế do ông Siddahartha Kaul, Chủ tịch đương nhiệm và ông Helmut Kutin, Chủ tịch danh dự Làng trẻ em SOS quốc tế đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp đại diện tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp đại diện tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế

Cùng dự buổi tiếp có Lãnh đạo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.

Chào mừng đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam, Phó Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác, tài trợ của Làng trẻ em SOS quốc tế cho Việt Nam trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng chân thành cảm ơn ông Helmut Kutin, ông Siddahartha Kaul, lãnh đạo và nhân viên Làng trẻ em SOS quốc tế vì những đóng góp cho sự phát triển của Làng trẻ em SOS Việt Nam; gửi lời cảm ơn đến các nhà hảo tâm trên toàn thế giới đã đóng góp kinh phí nuôi dưỡng các cháu mồ côi của Việt Nam trong 30 năm qua. Hiện nay, Làng trẻ em SOS Việt Nam đã nhanh chóng lớn mạnh và đứng thứ 3 trên thế giới sau Ấn Độ và Brazil.

“Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác và ủng hộ mô hình hoạt động của Làng trẻ em SOS Việt Nam và tạo mọi điều kiện để các hoạt động được triển khai….”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian tiếp đoàn, Chủ tịch Siddahartha Kaul cho biết, sáng 9/1 tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Làng trẻ em SOS Việt Nam đã vinh dự được đón nhận nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là sự ghi nhận những đóng góp của Làng trẻ em SOS quốc tế và Việt Nam trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Việt Nam.

Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, đến nay đã có 17 tỉnh, thành phố tại Việt Nam tiếp nhận tài trợ của Làng trẻ em SOS quốc tế. Gần 6.000 trẻ em đã và đang được nuôi dưỡng trong các làng trẻ em SOS. Trong đó, hơn 2.000 cháu trưởng thành để hòa nhập cộng đồng.

Hiện còn hơn 3.000 cháu đang được nuôi dưỡng tại các Làng trẻ em SOS. Khoảng 70% các cháu sau khi rời sự chăm sóc của làng trẻ em SOS đều được đào tạo chuyên môn nghề nghiệp ở các trình độ khác nhau.

Sau 30 năm hoạt động (1987-2017), Làng trẻ em SOS quốc tế đã tài trợ cho Việt Nam gần 120 triệu USD. Tổng số bà mẹ, bà dì, cán bộ, giáo viên và nhân viên làm việc tại các đơn vị thuộc hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam là 1.300 người.

Bên cạnh Làng trẻ em SOS là dự án chính, còn có các chương trình tăng cường gia đình ở cộng đồng nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, các dự án hỗ trợ như trường mẫu giáo, trường phổ thông Hermann Gmeiner (mang tên người sáng lập Làng trẻ em SOS) và các cơ sở dạy nghề...

Cho rằng cần có cách tiếp cận mới trong việc phối hợp giữa hai bên đối với các dự án sắp tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có lịch trình tăng dần phần đóng góp của phía Việt Nam từ các nguồn vốn khác nhau, trong đó cần huy động nguồn lực từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và cộng đồng, cũng như lồng ghép vào các chương trình chăm sóc, hỗ trợ trẻ em hiện có.

Về các dự án ngăn ngừa tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, giáo dục kỹ năng cho trẻ của Làng trẻ em SOS, Phó Thủ tướng cho biết sẽ cùng các bộ, ngành liên quan đánh giá, rà soát lại các chương trình hỗ trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để có sự thay đổi phù hợp, có cách tiếp cận tốt hơn như hỗ trợ kinh phí cho trẻ tiếp tục đến trường, gia đình trẻ được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế… theo hướng tạo điều kiện tốt nhất để trẻ được chăm sóc, nuôi dạy tại gia đình và trong cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.