Vì sao tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60?

GD&TĐ - Xoay quanh dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, trong đó, tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 đang là một vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Tăng tuổi nghỉ hưu góp phần tăng cơ hội việc làm và thăng tiến của phụ nữ
Tăng tuổi nghỉ hưu góp phần tăng cơ hội việc làm và thăng tiến của phụ nữ

Nhiều bất lợi nếu chậm điều chỉnh

Theo báo cáo an sinh xã hội thế giới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng cách về tuổi nghỉ hưu thu hẹp dần trong một thập kỷ qua. Giai đoạn từ năm 2017 - 2019, số quốc gia có tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau ngày càng tăng chiếm 68,4%. Những nước có mức chênh lệnh tuổi nghỉ hưu 5 tuổi giữa nam và nữ ngày càng giảm.

Nếu trong giai đoạn 2010 - 2011, có 31,35% số nước có khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ là 5 năm, thì đến giai đoạn 2017 - 2019, chỉ còn 23,3%.

Thúc đẩy bình đẳng giới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra một số vấn đề mới về chính sách đối với lao động nữ như: Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; Người lao động bình đẳng về quyền nghỉ hưởng trợ cấp BHXH khi thực hiện biện pháp tránh thai, khám thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật BHXH…

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Phạm Trường Giang cho biết, khoảng cách tuổi hưu dẫn đến thiệt thòi về thu nhập cho nữ giới. Thu nhập của nữ giới luôn thấp hơn nam giới, vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội của nữ giới ngắn hơn nam giới 5 năm. Khoảng cách giới về lương hưu năm 2017 cho thấy, lương hưu của nữ chỉ bằng 84% nam giới, thu nhập của lao động nữ thấp hơn nam khoảng 15%.

Với bài học kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chậm thì đối tượng bị ảnh hưởng bất lợi nhất là phụ nữ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu gấp và mức điều chỉnh cao gây nên tình trạng trì trệ, khủng hoảng việc làm. Việc tăng “sốc” sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề khủng hoảng đối với cả thị trường lao động và toàn bộ nền kinh tế.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp tới sẽ chỉ quy định một phương án, tức là kể từ 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 vào năm 2035 và tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi vào năm 2028.

Tăng cơ hội việc làm và thăng tiến

Theo ông Phạm Trường Giang, giai đoạn 2010 - 2015, mỗi năm số người tham gia thị trường lao động là 1,2 triệu người, nhưng dự báo đến năm 2020 chỉ còn 800 nghìn người. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số già sẽ giảm từ 6,6 xuống còn 2,1 trong vòng 40 năm tới. Điều đó có nghĩa là vào năm 2015, có 6 người bước vào thị trường lao động thì có 1 người rời khỏi, nhưng đến năm 2055, cứ 2 người tham gia thì có 1 người rời khỏi thị trường lao động.

Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần chủ động ứng phó với vấn đề thiếu hụt lao động trong tương lai không xa; tăng cơ hội việc làm và thăng tiến của phụ nữ, giúp cho nữ giới bình đẳng hơn trong lựa chọn việc làm; nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội; góp phần bảo đảm tính bền vững về mặt xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Đóng góp tăng trưởng hàng năm khoảng 0,218%.

Bảo đảm quyền và lợi ích của lao động nữ, Bộ luật Lao động 2012 đã dành hẳn một chương đưa ra những quy định riêng đối với lao động nữ. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế, xã hội, vận hành theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc thực hiện các quy định liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới của Bộ luật Lao động 2012 đã bộc lộ một số vấn đề không còn phù hợp.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới phải phù hợp với các nguyên tắc hiến định tại Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự tương thích với các Công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các Công ước của ILO.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ