Về “rốn lũ” Tân Hoá

GD&TĐ - Trời hết mưa, biển nước ở “rốn lũ” Tân Hoá, huyện Minh Hoá (Quảng Bình) nước bắt đầu rút dần để lại ngổn ngang bùn đất và rác rưởi. Dân Tân Hóa, người chèo thuyền, kẻ lội bùn non trở về nhà sau 4 ngày tránh lũ với hai dòng nước mắt mặn chát bởi bao nhiêu tài sản, lương thực tích góp bấy lâu trong phút chốc tan biến.

Trường học bị ngập hoàn toàn tầng 1
Trường học bị ngập hoàn toàn tầng 1

“Rốn lũ”… đến hẹn lại lên

Xã Tân Hóa xưa nay được xem là “rốn lũ” bởi đất thấp trũng, bốn bề là núi đá vôi dựng đứng. Vùng này có rất nhiều sông, suối nên mỗi mùa mưa lũ lượng nước đổ dồn về nhanh nhưng thoát rất chậm dẫn đến cả vùng như một túi đựng nước khổng lồ.

Có những năm, 100% nóc nhà ở khu vực này chìm sâu trong nước lũ. Mỗi mùa lũ về trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Năm nay, do ảnh hưởng của bão số 4 và tác động của áp thấp nhiệt đới nên người dân Tân Hóa lại phải nếm trải cảnh lụt lội. Nhiều căn nhà chìm hẳn trong dòng nước lũ, hay nước ngập lên tận nóc bởi mức nước lũ cao từ 3 - 4m.

Cứ như vậy cuộc sống của người dân phó thác cho thiên nhiên. Những năm mưa lũ nhỏ mọi người vẫn bình yên nhưng những năm lũ lớn cả làng nhiều lúc phải bỏ tài sản để chạy lũ trong đêm và chấp nhận sống cảnh màn trời chiếu đất…

Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá cho biết: Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới năm nay gây nên lũ lụt làm chia cắt nhiều vùng ở địa bàn huyện Minh Hoá, riêng tại xã Tân Hoá có 512/697 hộ dân bị ngập, nơi sâu nhất ngập hơn 3m.

Người dân sống trong nhà nổi, giải pháp tránh lũ an toàn
Người dân sống trong nhà nổi, giải pháp tránh lũ an toàn 

Những năm trước, những lúc lũ lớn như năm 2010, 2016 người dân phải chạy lũ, sống cảnh màn trời chiếu đất ở những khu vực lèn đá. Cuộc sống trong những ngày mưa lũ của bà con rất khó khăn bởi thiếu lương thực và nước uống. Sau lũ, nhiều hộ dân không còn lương thực, thực phẩm do bị ngâm nước lũ nhiều ngày, đời sống càng khó khăn hơn.

Những năm trở lại đây, phương án nhà nổi tránh lũ có thể giúp bà con thoát cảnh cơ hàn mùa nước lũ. Những căn nhà tránh lũ đặc biệt này “lênh đênh” trên mặt nước khi lũ lên đã giúp bà con có chốn nương thân, bảo vệ lương thực và tài sản của mình.

Hiện nay, toàn xã có khoảng 400 căn nhà nổi như vậy, cứ mỗi mùa lũ về chính quyền địa phương tích cực đôn đốc, tuyên truyền và vận động người dân tích trữ lương thực, thực phẩm và nước uống phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho cả gia đình trong những ngày mưa lũ. Một phương án tránh lũ an toàn và hiệu quả được bà con xã Tân Hoá áp dụng. Cho đến thời điểm này, xã Tân Hoá không có sự cố đáng tiếc về con người trong mùa mưa lũ năm nay…

Trường lớp chạy theo dòng nước rút

Giáo viên tranh thủ dọn dẹp khi nước rút
Giáo viên tranh thủ dọn dẹp khi nước rút 

Mùa lũ, nước lên đã cực nhưng mỗi khi nước rút người dân càng cực hơn. Họ cứ thế bám theo dòng nước rút để làm vệ sinh nhà cửa của mình. Nếu để nước rút thì việc thu dọn vệ sinh càng khó khăn và vất vả hơn nhiều lần.

Đối với người dân xã Tân Hoá, mỗi lần nước lũ rút, họ không chỉ tranh thủ dọn dẹp nhà cửa mà luôn sẵn sàng và dành thời gian đến các trường học để giúp giáo viên dọn lũ. Với họ, việc học hành của con cái rất quan trọng, chính vì thế các trường học luôn luôn được quan tâm đặc biệt sau lũ.

Rốn lũ Tân Hoá chìm trong biển nước
Rốn lũ Tân Hoá chìm trong biển nước 

Ông Đinh Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Minh Hoá chia sẻ: Mỗi mùa mưa lũ về là một lần thử thách đối với giáo viên tại các vùng thường xuyên ngập lụt như Tân Hoá. Tất cả con người ấy đều dồn sức trước mưa lũ để di chuyển đồ đạc, bảo vệ tài sản của nhà trường. Sau lũ, với phương châm “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”, giáo viên càng vất vả hơn khi phải dành toàn bộ thời gian để dọn dẹp, lau chùi phòng ốc nhằm sớm đưa học sinh trở lại trường học.

Đến chiều 6/9, chỉ riêng các trường tại xã Tân Hoá hiện đang ngập sâu trong nước khoảng 3m nên chưa thể làm vệ sinh được còn lại tất cả trường học trên địa bàn huyện đã dọn dẹp cơ bản phòng ốc và trang trí lại lớp học nhằm phục vụ cho việc khai giảng năm học vào ngày 9/9 tới đây theo kế hoạch…

Hàng năm, cứ mỗi mùa mưa lũ về người dân Quảng Bình nói chung và rốn lũ Tân Hoá nói riêng không chỉ gồng mình chạy lũ mà còn phải gắng gượng hết sức mình để hồi sinh từ vùng ngập bùn đất để vươn lên cho cuộc sống mới. Ở đó mùa lũ, tình đoàn kết tương trợ lẫn nhau là cử chỉ đẹp nhất khi tất cả chung tay vượt qua khó khăn của cuộc sống…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ