Vận động kiểm soát rác thải nhựa

GD&TĐ - Ngày 20/8, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát đi Văn bản số 771/TCBHĐVN-VTPT về việc vận động kiểm soát rác thải nhựa.

Các chiến dịch “Làm sạch bãi biển” giúp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng về kiểm soát rác thải trên biển
Các chiến dịch “Làm sạch bãi biển” giúp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng về kiểm soát rác thải trên biển

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, rác thải nhựa đại dương đã và đang trở thành hiểm họa mang tính toàn cầu. Các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, rác thải nhựa trong môi trường biển có tính phân hủy chậm, nên ảnh hưởng mang tính chất tiêu cực rất lớn tới sinh vật biển. Hàng năm có đến hàng triệu cá thể động vật biển khác nhau bị tiêu diệt. Rác thải nhựa còn đe dọa hơn 700 loài sinh vật biển rơi vào tình trạng tuyệt chủng…

Rác thải nhựa không chỉ gây tổn hại đến sinh vật biển và hệ sinh thái biển mà còn gây tác hại đến đời sống con người. Việc sử dụng các sinh vật biển và các sản phẩm từ biển có chứa vi hạt nhựa (người ta còn tìm thấy vi hạt nhựa cả trong muối ăn) làm thức ăn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, rác thải nhựa đại dương cũng tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế và các cộng đồng dân cư vùng ven biển. Nó làm gia tăng các tai nạn hàng hải, giảm năng suất đánh bắt thủy hải sản, ảnh hưởng xấu tới du lịch biển.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa phát thải ra biển, với 0,28 – 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng số lượng rác thải nhựa phát thải ra biển và đại dương của thế giới).

Tại Hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6) được tổ chức tại Đà Nẵng tháng 6/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất sáng kiến của Việt Nam về xây dựng mối quan hệ đối tác khu vực Đông Á về giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương với mục tiêu thúc đẩy hợp tác, tăng cường phối hợp khu vực trong giảm rác thải nhựa cho khu vực các biển Đông Á; tạo động lực cho việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng tái chế và tái sử dụng nhựa; thiết lập cơ sở tri thức về rác thải nhựa ở biển và đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã đề nghị công chức, viên chức người lao động có các hành động thiết thực nhằm góp phần hiện thực hoá mục tiêu vì một đại dương không có rác thải nhựa như: Tổ chức diễn đàn, phổ biến, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường biển; phát động các phong trào thi đua huy động sự tham gia nhằm góp phần kiểm soát rác thải nhựa phát thải ra môi trường biển…

Khuyến khích sử dụng các bình nước lớn thay thế cho việc sử dụng nước đóng chai để hạn chế rác thải nhựa trong các cuộc họp, hội nghị. Hạn chế nhựa sử dụng một lần (nước đóng chai, ống hút nhựa...), tái chế nhựa, khuyến khích sử dụng các vật liệu thay thế nhựa thân thiện với môi trường… Tổ chức các chiến dịch “Làm sạch bãi biển” và chung tay bảo vệ môi trường; tổ chức dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nhựa tại nơi công tác với tần suất 2 lần/tháng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.