Trường ĐH đầu tư nghiên cứu phát triển xe điện

GD&TĐ - Trung tâm nghiên cứu phát triển xe điện tại Trường ĐH Thủy Lợi chính thức được khai trương sáng nay (19/1). Đây là sản phẩm quá trình hợp tác của Trường ĐH Thủy lợi và Công ty cổ phần Thọ Xuân.

Cắt băng khánh thành Trung tâm nghiên cứu phát triển xe điện, Trường ĐH Thủy Lợi
Cắt băng khánh thành Trung tâm nghiên cứu phát triển xe điện, Trường ĐH Thủy Lợi

Theo TS Đoàn Yên Thế - Trưởng khoa Cơ khí (Trường ĐH Thủy Lợi) – chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm là nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại xe điện chuyên dùng; nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý rác thải trong nội thành Hà Nội; nghiên cứu phát triển xe điện chở người trong khu du lịch.

Đến nay, Trung tâm đã tiến hành nghiên cứu sự cần thiết của thị trường về vấn đề giải quyết rác thải và năng lượng sạch cho xe; từ đó nghiên cứu, tính toán thiết kế để chế tạo thử nghiệm các sản phẩm mẫu. Hiện 5 mẫu 5 mẫu xe điện để trưng bày và giới thiệu đã được chế tạo thành công.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến xe điện đồng thời xây dựng quy trình sản xuất, lắp ráp; sau đó đưa sản phẩm đi kiểm định, chuyển giao công nghệ” – TS Đoàn Yên Thế cho hay.

Nói về ý nghĩa của việc thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển xe điện, TS Đoàn Yên Thế cho biết: mô hình hợp tác doanh nghiệp – nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục vụ đào tạo nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; tạo môi trường nghiên cứu kết hợp với ứng dụng thực tế cho giảng viên và sinh viên.

Doanh nghiệp giảm chi phí nghiên cứu thiết kế sản phẩm để tập trung sản xuất và phát triển thị trường; nhà trường được doanh nghiệp đầu tư về trang thiết bị, hệ thống máy móc phục vụ công tác đào tạo thực hành cũng như nghiên cứu cho sinh viên.

Đây là mô hình hợp tác nhà trường và doanh nghiệp phù hợp với giai đoạn đất nước mở rộng phát triển hiện nay. Việc phối hợp này tạo tiền đề và đem lại sự lan toả hợp tác với các doanh nghiệp khác trong việc đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

“Lễ khai trương đánh dấu sự hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đào tạo lý thuyết phải đi đôi với thực hành, để đáp ứng yêu cầu của kỹ sư trong thời đại mới” - TS Đoàn Yên Thế chia sẻ.

Sinh viên khoa Cơ khí, Trường ĐH Thủy lợi giới thiệu sản phẩm nghiên cứu ứng dụng
Sinh viên khoa Cơ khí, Trường ĐH Thủy lợi giới thiệu sản phẩm nghiên cứu ứng dụng 

GS.TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy Lợi – tại lễ khai trương cũng khẳng định vấn đề hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp đang là mối quan tâm chính của nhà trường hiện nay. Nhà trường sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Trung tâm nghiên cứu xe điện và các doanh nghiệp khi hợp tác với các Khoa, Viện, Trung tâm của trường.

Hiện nay, xe điện đang là xu thế chung của toàn thế giới trong tình hình nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt.

Ở các nước công nghiệp phát triển, xe điện được nghiên cứu và ứng dụng rất rộng rãi trong thời gian gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường.

Tuy nhiên, các đơn vị sản xuất, lắp ráp xe điện trong nước mới thực hiện được các công việc cải tạo, bảo dưỡng sửa chữa dựa trên kinh nghiệm, mà chưa có cơ sở nghiên cứu khoa học, tính toán thiết kế hay quy trình chuẩn. Vấn đề nghiên cứu, thiết kế, định hình công nghệ chế tạo, thử nghiệm xe điện là các lĩnh vực còn rất mới mẻ ở Việt Nam.

Cũng trong buổi sáng 19/1, Khoa Cơ khí (Trường ĐH Thủy lợi) tổ chức triển lãm các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng của sinh viên. Tại đây, 10 sản phẩm máy móc có tính ứng dụng cao trong thực tiễn của sinh viên khoa Cơ khí được trưng bày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...