Trục lợi bảo hiểm: Ngày càng biến tướng

GD&TĐ - Trục lợi bảo hiểm là vấn đề không mới đối với ngành bảo hiểm, nhưng đang được xem như vấn nạn của ngành khi tình trạng này ngày càng diễn ra phổ biến với mức độ ngày càng tinh vi và phức tạp. Trong khi chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) còn chưa đủ mạnh, không có tính răn đe nên vấn nạn này ngày một gia tăng...

Trục lợi bảo hiểm: Ngày càng biến tướng

Diễn biến phức tạp

Những năm gần đây, số lượng người tham gia BHXH, BHYT ngày một tăng. Hiện số người tham gia BHXH, BHYT khoảng 76 triệu. Hàng năm, số tiền chi trả cho các đối tượng tham gia BHXH, BHYT lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng... Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở, một số đối tượng cũng đang ra sức trục lợi bảo hiểm, chiếm đoạt số tiền không nhỏ và xảy ra ở hầu hết ở các loại hình, nghiệp vụ bảo hiểm.

Theo số liệu báo cáo tại hội nghị sơ kết 5 năm (2012 - 2017) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT do BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát vừa tổ chức tại Thừa Thiên - Huế mới đây cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đang gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Trên thực tế, thời gian qua các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT đang diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Nhiều nơi cố tình chây ỳ, dây dưa không chịu đóng các khoản phí bảo hiểm cho người lao động. Đặc biệt, có tình trạng thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ BHXH khống, chiếm đoạt tiền BHXH.

Lỗ hổng chính sách

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT do có những kẽ hở, thiếu sót trong các quy định của pháp luật, liên quan đến chính sách bảo hiểm. Bên cạnh, các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn thấp, không có tính răn đe. Điều này, dẫn đến việc các đối tượng vi phạm “nhờn thuốc”, sẵn sàng vi phạm để chiếm đoạt số tiền không nhỏ.

Ngoài ra, thêm một nguyên nhân chủ quan nữa do nghiệp vụ, công tác giám định chuyên môn về bảo hiểm còn yếu và thiếu. Đặc biệt, ở một số địa phương còn chưa quan tâm, chú trọng trong chỉ đạo phối hợp thanh tra, kiểm tra về công tác chi trả BHXH, BHYT...

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, từ tháng 5/2012 BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát đã thống nhất ban hành Quy chế phối hợp số 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXH trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật góp phần bảo vệ trật tự quản lý kinh tế và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội tại các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam.

Đến nay, các bên đã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến quy định về bảo hiểm; Hoàn thiện các quy định, chế tài xử phạt; Thường xuyên cung cấp, trao đổi kịp thời các thông tin liên quan đến hành vi vi phạm và tội phạm liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.

Ở các địa phương, cơ quan BHXH cũng đã xây dựng chương trình, nội dung phối hợp với lực lượng công an để đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT...

Trước những diễn biến phức tạp của các hành vi trục lợi chính sách bảo hiểm, đại diện Tổng cục Cảnh sát cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa sự phối hợp giữa cơ quan BHXH và lực lượng cảnh sát kinh tế, thường xuyên liên tục đi sâu vào trọng tâm, trọng điểm với các nội dung phối hợp cụ thể.

Đồng thời, tăng cường tính chủ động của lực lượng cảnh sát nói chung và cảnh sát kinh tế nói riêng, chú trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về BHXH, BHYT; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chia sẻ thông tin, nâng cao hiệu quả phòng ngừa vấn nạn này trong thời gian tới.

Trong 5 năm (2012 - 2017), BHXH đã phối hợp với lực lượng công an kinh tế thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị (trong đó có 2.228 đơn vị sử dụng lao động; 80 cơ sở khám chữa bệnh BHYT; phối hợp xác minh làm rõ 86 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật). Qua đó, đã phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng, vi phạm theo quy mô từ nhỏ đến lớn, yêu cầu chủ sử dụng lao động làm thủ tục tham gia BHXH bắt buộc cho 4.812 lao động; thực hiện việc khắc phục tiền nợ và truy thu với số tiền là 576.073 triệu đồng; Yêu cầu truy thu 17.043 triệu đồng tiền truy đóng BHXH, BHTN, BHYT và tiền chi sai do lạm dụng các chế độ BHXH...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ