Tri ân những người cống hiến thầm lặng cho Y học và cuộc sống

GD&TĐ - Sáng 10/9 tại Hà Nội, Học viện Quân y đã trang trọng tổ chức Lễ tri ân nhằm tôn vinh những người đã hiến thi thể và thân nhân những gia đình có người hiến thi thể cho y học, đồng thời tôn vinh đối với những người đã đăng ký hiến thi thể cho y học tại Bộ môn Giải phẫu của Học viện Quân y.

Tri ân những người cống hiến thầm lặng cho Y học và cuộc sống

Dự buổi lễ có thân nhân của những người đã hiến thi thể cho mục đích giảng dạy, nghiên cứu y học, những người đã đăng ký hiến thi thể cho y học.

Hiến mô tạng, thi thể cho y học đã diễn ra từ rất lâu trên thế giới. Với ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và khoa học, việc hiến mô tạng, thi thể ngày càng được luật pháp nhiều quốc gia thừa nhận và phát triển.

Ở Việt Nam, việc các cá nhân tình nguyện hiến thi thể để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy đã được thực hiện từ cách đây khá lâu. Học viện Quân Y, tới nay đã tiếp nhận hàng trăm thi thể hiến.

Các thi hài hiến đã được sử dụng cho các mục đích giảng dạy, tập huấn kỹ thuật ngoại khoa mới và nghiên cứu. Trên thực tế, không phải tất cả các vùng cơ thể được sử dụng để giảng cho sinh viên nên những vùng còn lại nếu được sử dụng để tập huấn kỹ thuật ngoại khoa hay nghiên cứu thì rất tốt. Sau khi sử dụng, các thi hài được mai táng bằng các hình thức phù hợp với nguyện vọng của người hiến hoặc gia đình họ.

Phát biểu tại Lễ Tri ân, Thiếu tướng, GS.TS Hoàng Văn Lương - Phó giám đốc Học viện Quân y đặc biệt nhấn mạnh sự quan trọng của giải phẫu trong Y học:

Như chúng ta đã biết, để trở thành bác sỹ, sinh viên y khoa cần nắm vững những kiến thức về giải phẫu, phải hiểu thấu đáo về cấu tạo, vị trí, chức năng của từng cơ quan, bộ phận cơ thể. Có thể khẳng định rằng, một phần rất lớn và không thể thiếu đó là nhờ chúng ta học tập trên các xác ướp của những người đã quá cố.

Cho đến nay, các mô hình nghiên cứu giải phẫu cũng đã có sự phát triển hiện đại hơn trước, song dù là chi tiết nhất vẫn chưa thể (không thể) hoàn toàn thay thế cho việc học trực tiếp trên thi thể người. Điều này có nghĩa là việc nhận được các thi thể hiến cho mục đích này luôn là nhu cầu thường trực của các trường y nói chung.

Trong gần 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Học viện Quân y đã nhận được tới hàng trăm thi thể phục vụ cho đào tạo và NCKH, và Học viện cũng đã có hàng trăm người đã dâng hiến thi thể hoặc đang ký dâng hiến thi thể sau khi chết cho mục đích cao cả đó...

Sự hy sinh âm thầm này đã góp phần giúp Học viện Quân y đào tạo được hàng ngàn thầy thuốc, nhân viên y tế cho Ngành y tế Việt Nam nói chung và ngành y tế của Quân đội nói riêng; cùng với đó là hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học hình thái ra đời, được ứng dụng, qua đó đã góp phần cứu chữa và mang lại cuộc sống cho vô vàn người bệnh.

Chúng tôi, các thầy thuốc, nhân viên y tế và các học viên, sinh viên quân y, đặc biệt là những nhà giải phẫu học, là những người nhận thức rõ ràng nhất sự cống hiến vô giá của những thi hài người hiến cho sự trưởng thành về nghề nghiệp của mình.

Để hiện thực lòng tri ân này thì không có gì tốt hơn là phải ra sức phấn đấu rèn luyện học tập thật tốt để trở thành những người thầy thuốc giỏi có ích cho xã hội. Chỉ có như thế thì công ơn của những người mà chúng ta đang tưởng nhớ đến hôm nay mới không bị uổng phí.  

Trên thế giới có nhiều hình thức để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và tưởng nhớ những người hiến thi thể cho Y học. Tại Học viện Quân y, đã nhiều năm nay, cứ vào dịp ngày mồng một âm lịch và ngày rằm hàng tháng, Bộ môn Giải phẫu rất trang trọng, chu đáo, tổ chức thắp hương tưởng niệm tại bàn thờ giành riêng cho những người quá cố, đã hiến thi thể cho y học.        

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ