Tranh cãi “gắn mào” xe hợp đồng

GD&TĐ - Trong bản dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lần thứ 8 vừa trình Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục giữ quan điểm sẽ quản lý xe hợp đồng (Grab, Go-viet, Be…) như xe taxi, theo đó yêu cầu xe hợp đồng hay xe taxi tới đây đều phải có phù hiệu “xe taxi” dán cố định, đặc biệt có “gắn mào” (hộp đèn) với chữ “TAXI”, “XE HỢP ĐỒNG” cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 12 x 30 cm... 

Gắn mào xe hợp đồng có bảo đảm minh bạch, công bằng
Gắn mào xe hợp đồng có bảo đảm minh bạch, công bằng

Trong khi Grab cho rằng, việc “gắn mào” xe hợp đồng trên nóc là không cần thiết thì các hãng taxi truyền thống kiến nghị giữ nguyên những quy định trong bản dự thảo.

Tốn kém, không cần thiết

Công ty TNHH Grab cho rằng, dự thảo sửa đổi Nghị định 86 vẫn còn nhiều điểm bất cập. Mới đây, Grab tiếp tục gửi 4 đề xuất đến Bộ GTVT, trong đó cần xóa bỏ những quy định gây tốn kém, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Theo Grab, mục tiêu của quy định về hộp đèn trên nóc xe là nhằm phục vụ cho việc nhận diện xe của khách hàng khi có nhu cầu đón, vẫy xe taxi trên đường (theo tinh thần Khoản 8 Điều 1 Thông tư 60/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT). Do đó, việc áp dụng quy định gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng (điểm b Khoản 1 Điều 6) và xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử (điểm c Khoản 1 Điều 7) là không cần thiết.

Grab lý giải, nếu nhằm mục đích nhận diện xe kinh doanh cho cơ quan chức năng, thì tất cả các phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu “XE TAXI” hoặc “XE HỢP ĐỒNG” trên kính trước của xe như quy định pháp luật. Nếu nhằm mục đích nhận diện xe cho hành khách thì cũng không cần thiết, vì thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc của lái xe đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng để nhận biết xe được kết nối. Bên cạnh đó, các xe này cũng không phục vụ, đón khách vãng lai trên đường như đối với loại xe taxi bằng hình thức vẫy. Nếu lắp thêm mào sẽ tăng chi phí cho đơn vị kinh doanh vận tải. Vì vậy, Grab đề xuất bỏ yêu cầu bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe.

Liên quan đến đề xuất “gắn mào” cho xe công nghệ, một số chuyên gia cho rằng, đây là việc làm không phù hợp, đi ngược lại xu thế công nghệ. Góp ý này đã được nhiều tổ chức như VCCI, CIEM… gửi đến Bộ GTVT, tuy nhiên cơ quan này vẫn bảo lưu quan điểm “gắn mào”. Tại những cuộc hội thảo, tọa đàm, diễn đàn xung quanh hình thức kinh tế chia sẻ mới, với những ứng dụng nền tảng xuất hiện ở Việt Nam như Grab, Go-Viet, FastGo… nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu cứ khăng khăng “gắn mào” cho xe công nghệ thì chứng tỏ chúng ta không thừa nhận loại hình kinh doanh mới, tiến bộ.

Bảo đảm công bằng, minh bạch

Chiều 23/4, trao đổi với Báo GD&TĐ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, qua gần 4 năm thí điểm theo quyết định 24 của Bộ GTVT có đủ cơ sở khẳng định loại hình kinh doanh mà Grab đang điều hành chính là taxi và phải quản lý như taxi. Điều này cũng đã được Tòa án nhân dân TPHCM tuyên ngày 28/12/2018, khẳng định bản chất kinh doanh của Grab là vận tải taxi.

Hiện cả nước có gần 870 đơn vị vận tải, với hơn 36.800 phương tiện tham gia thí điểm hợp đồng điện tử. Trong đó, TPHCM có trên 500 doanh nghiệp, 3 nhà cung cấp phần mềm, với 21.600 xe. TP Hà Nội có hơn 350 đơn vị vận tải, 7 nhà cung cấp phần mềm, với hơn 15.000 xe. Hiện xe hợp đồng điện tử chỉ được gắn phù hiệu nhỏ trên xe, không có mào trên nóc nên cơ quan chức năng và hành khách khó phân biệt với taxi truyền thống.

“Xe Grab bản chất là hoạt động kinh doanh vận tải nên phải được coi là taxi. Hộp đèn nóc là dấu hiệu cơ bản để nhận biết phương tiện có chức năng vận chuyển hành khách với các phương tiện khác, giúp công tác kiểm tra giám sát của lực lượng chức năng được thuận lợi và người tham gia giao thông dễ nhận biết. Hộp đèn còn có ý nghĩa minh bạch, văn minh trong kinh doanh vận tải, công bằng về điều kiện kinh doanh. Luận điểm của Grab cho rằng, hộp đèn chỉ dành cho các xe có khách vẫy trên đường là không chuẩn xác”, ông Nguyễn Công Hùng nhấn mạnh.

Xung quanh quan điểm luật đã quy định dán phù hiệu, phần mềm đã có thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên hệ cho nên không cần hộp đèn, ông Hùng cho rằng, xe kinh doanh có bản chất giống nhau, điều kiện kinh doanh giống nhau. Còn các thông tin về lái xe, số điện thoại, điểm đi, điểm đến, tiền cước thì cả xe taxi cũng quy định phải thực hiện và thể hiện qua hóa đơn gửi cho khách. Đối với các hãng taxi đang sử dụng phần mềm giống Grab cũng phải có đèn nóc, nên không có lý do gì xe chạy Grab lại không.

“Tôi cho rằng, Grab muốn gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh vận tải để dễ dàng lách luật, né tránh sự kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng, nghĩa vụ xã hội với người lao động và giảm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước”, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội bày tỏ quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.