TPHCM giãn cách: Muộn còn hơn không

GD&TĐ - Trước khi TPHCM chính thức áp dụng giãn cách trên toàn thành phố theo Chỉ thị 16, nhiều người dân đã đến các cửa hàng, siêu thị xếp hàng mua thực phẩm thiết yếu.

Khu vực đường Vườn Chuối (Q.3, TPHCM) đang bị phong tỏa.
Khu vực đường Vườn Chuối (Q.3, TPHCM) đang bị phong tỏa.

Trong khi đó, cán bộ, giáo viên các trường học thì tỏ ra rất bình tĩnh.

Xếp hàng chờ tới lượt, bất chấp giá

Mặc cho giá rau, thịt cá tăng vọt, tờ mờ sáng 8/7, nhiều người dân đã đến các cửa hàng, siêu thị xếp hàng mua nhu yếu phẩm trước khi giãn cách toàn thành phố.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn một nửa chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM (khoảng 110 chợ) và khoảng 60 siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa vì liên quan các ca lây nhiễm Covid-19.

Bên cạnh đó, để phòng chống dịch, TPHCM tạm đóng cửa 3 chợ đầu mối lớn là Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền. Do đó, hàng hóa từ các tỉnh về TPHCM sẽ không tập kết trung chuyển ở chợ đầu mối nữa, mà sẽ được đưa trực tiếp đến các chợ truyền thống.

Trong khi từ trước đến nay, tiểu thương ở các chợ lẻ sẽ tự lên chợ đầu mối lấy hàng sớm, một số người buôn bán lâu năm thì được giao sỉ tận chợ. Điều này cũng khiến nguồn hàng tại một số chợ truyền thống, cửa hàng bị chựng lại do nguồn cung bị lệch hướng.

Đến khoảng 6 giờ 30 phút sáng, một số điểm bán thịt, rau đã báo hết hàng mặc dù giá đã tăng gấp đôi. “Tôi mua 2 trái bí xanh nhỏ xíu 60.000 đồng, ký cải xanh cũng lên 60.000 đồng, cá lóc, cá nục thì 120.000 đồng/kg, trong khi ngày thường chỉ từ 60.000 - 70.000 đồng/kg)...

Mắc quá, nhưng cũng phải ráng mua về cho cả nhà có ăn trong những ngày giãn cách toàn thành phố. Mong mọi thứ sớm trở lại bình thường”, chị Hồng (ngụ ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM) than.

Tuy TPHCM đã ngừng hoạt động các chợ tạm, xe đẩy vỉa hè hơn 2 tuần nhưng khi các chợ truyền thống bị đóng cửa, siêu thị kẹt cứng người, thì vào sáng sớm lúc các đơn vị kiểm tra chưa hoạt động, lực lượng bán hàng rong, bán dạo vẫn tranh thủ cung cấp hàng hóa cho nhiều người dân.

Người lao động ngành Giáo dục khá bình tĩnh

Đối lập với hình ảnh vội vã đi mua hàng tích trữ của một bộ phận người dân, nhiều CBVC ngành Giáo dục tại TPHCM tỏ ra rất bình tĩnh trước thông tin giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16.

Thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao và mức độ giao thương với các địa phương lớn, nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức cho TP, nhất là kiểm soát chủng virus Delta.

“Bản thân tôi cũng như tập thể nhà trường luôn xác định cần phải làm công tác tuyên truyền mạnh hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng chống dịch.

Việc  áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ 15 ngày trên địa bàn TP từ 0 giờ ngày 9/7/2021 là một sự lựa chọn sáng suốt của cả hệ thống chính trị. Tôi luôn sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ mà cấp trên tin tưởng giao phó...”, thầy Phạm Trung Hữu bày tỏ.

Chị Hồ Thùy Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Tổ chức sự kiện Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) cho biết, nhờ liên tục theo dõi báo đài nên chị và gia đình đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho việc giãn cách theo Chỉ thị 16.

“Chúng tôi hiểu đây là quyết định khó khăn nhưng cần thiết để hạn chế tối đa tốc độ lây lan của dịch bệnh, giúp cho ngành Y tế truy vết được F0 hiệu quả hơn. Tôi không lo lắng về vấn đề thiếu thực phẩm vì được thông tin đầy đủ về nguồn cung của thành phố và các giải pháp cho người dân mua thực phẩm bằng các ứng dụng công nghệ.

Tôi và gia đình không chuẩn bị thực phẩm dự trữ nhiều, mà chủ yếu thảo luận về việc có thời gian nhiều bên nhau thì chúng ta sẽ cùng nhau làm gì để thắt chặt tình cảm hơn”, chị Hồ Thùy Dung chia sẻ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM, ngụ Q.7, TPHCM) cho biết, từ khi dịch bùng phát mạnh cuối tháng 4/2021 tại các tỉnh phía Bắc, sau đó thì tới TPHCM, chị vẫn mong chính quyền mạnh tay áp dụng Chỉ thị 16 ở TP từ thời điểm đó để có thể truy vết nguồn lây lan, phát hiện các F0...

“Nếu có thể giãn cách xã hội toàn TP cả tháng ngay lúc đó tôi cũng chấp nhận miễn sao tình hình bớt căng thẳng. Nhưng, TPHCM có quá nhiều nỗi lo lắng về vấn đề kinh tế, về đầu mối thương mại ở khu vực phía Nam.

Đến ngày 8/7 khi nghe TPHCM ban hành quyết định này, tôi có chút tiếc nuối nhưng ủng hộ và chuẩn bị sẵn sàng tinh thần bằng tất cả những gì mình đã và đang làm”, chị Bích Ngọc chia sẻ.

Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng bày tỏ: “Hai hôm nay, tôi thấy nhiều người hoang mang tích trữ đồ ăn thức uống quá số lượng cần thiết, cảm giác như ngày tận thế đến, như thế không tốt. Mọi người cùng ào ra một lúc thì sẽ không tuân thủ 5K.

Lương thực, thực phẩm sẽ bớt một chút do một số chợ đầu mối bị đóng, nhưng còn rất nhiều nguồn lương thực khác sẽ có trong vài ngày tới. Chính quyền TPHCM sẽ điều phối lương thực, thực phẩm phù hợp nên mọi người đừng quá căng thẳng”.

Mặc dù vậy, chị Bích Ngọc cũng nỗ lực chia sẻ: “Tôi thấy lo cho bà con nghèo khó khăn, lao động chân tay. Họ không ra đường thì chắc khó mà đắp đổi qua ngày. Tuần rồi tôi đã bán lại một số quần áo mua mà chưa mặc hoặc mặc một đôi lần để quyên tiền giúp bà con nghèo.

Tôi đã chuyển đến những bạn bè đang làm từ thiện hơn 5 triệu đồng để nhờ họ phát gạo, khoai, đồ ăn cho bà con nghèo ở các nơi trong thành phố. Tuy nhỏ, nhưng tôi thấy quanh tôi bạn bè cũng đang làm những việc nhỏ như vậy để giúp mọi người. Những năng lượng tích cực này nên được truyền đi, thay vì cứ ủ rũ lo lắng mà không biết làm gì...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ